Chủ trương giao khoán rừng cho các Công ty lâm nghiệp, địa phương để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, trồng rừng được nhiều địa phương ở Tây Nguyên triển khai và đạt được nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, việc giao đất, giao rừng này cũng đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để mua bán, giao khoán đất rừng trái quy định…
Nhiều Công ty lâm nghiệp, chính quyền địa phương được giao rừng nhưng buông lỏng quản lý để mất rừng.Ảnh: P.V |
Giao rừng để… bán đất
Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ về giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình quy định rõ: Đối tượng nhận khoán được ưu tiên là hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cư trú trên địa bàn có nhu cầu nhận giao khoán đất, hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp.
Chủ trương là thế nhưng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (BQLRPHĐN Krông Năng) sau khi được giao rừng quản lý, chủ rừng đã đã cố tình giao khoán sai đối tượng, trong đó có không ít là người nhà cán bộ địa phương.
Trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012 chỉ rõ, BQLRPHĐN Krông Năng giao sai 6 nhóm đối tượng với diện tích 844,9ha.
Nhóm 1 có bà Mai Thị Hải Yến (vợ của ông Phạm Minh Sơn - nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng).
Nhóm 2 có ông Trương Công Đản - nguyên Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng.
Nhóm 3 có ông Nguyễn Minh Trình - cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông, và Nguyễn Văn Thông - cha ruột ông Trình.
Nhóm 4, hộ ông Nguyễn Đình Chương - cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng.
Nhóm 5 là hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ của ông Nguyễn Kim Liên - nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông).
Nhóm 6 là Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và Ea Púk).
Tất cả 6 nhóm hộ gia đình này dù được giao khoán sai quy định nhưng đến nay vẫn chưa thanh lý đất rừng lấn chiếm.
Tại huyện Ea Súp, đầu năm 2018, ông Hồ Sỹ Tuấn - Công an thường trực xã Cư M’lan - đã bán 10ha đất rừng tại tiểu khu 280 thuộc lâm phần quản lý của xã Cư M’lan cho hai hộ dân đến từ huyện Krông Bông. Riêng tại các tiểu khu 276, 280 thuộc lâm phần quản lý của xã Cư M’lan cũng có hàng chục trường hợp mua bán đất rừng trái phép với diện tích hàng trăm hécta.
Khó thu hồi
Ông Lê Minh Tiến - Phó Giám đốc BQLRPHĐN Krông Năng - cho rằng, việc giao khoán đất rừng cho người nhà cán bộ được thực hiện bởi các đời lãnh đạo trước đó. Hiện BQLRPHĐN Krông Năng đang đối chiếu hồ sơ giao dịch, hợp đồng giao khoán của các hộ sai quy định để điều chỉnh phù hợp.
Đối với gần 800 ha đất lâm nghiệp đã giao sai đối tượng, ông Tiến cho biết hiện đơn vị đã thu hồi được 130ha, còn gần 700ha chưa thể thu hồi. “Việc thanh lý hợp đồng, thu hồi đến nay vẫn đang giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do các hộ dân đang sản xuất trên khu vực này quá lâu” - ông
Tiến nói.
Liên quan đến việc cán bộ “xí phần” đất rừng tại huyện Ea Súp, ông Nguyễn Hoàng Giang - Bí thư Huyện ủy Ea Súp - thừa nhận, do yếu tố lịch sử nên có tình trạng cán bộ xâm canh trên đất rừng nhưng đến nay, việc thu hồi còn gặp nhiều khó khăn.
“Trong cuộc họp sơ kết giữa nhiệm kỳ vừa rồi, Huyện ủy đã phê bình lãnh đạo UBND huyện vì đổ lỗi cho Chỉ thị 1685 của Chính phủ lại yêu cầu kiên quyết thu hồi diện tích rừng…” để chậm giải quyết đối với số diện tích rừng trên địa bàn huyện đã bị người dân lấn chiếm.
Hiện huyện Ea Súp còn tồn đọng hàng ngàn hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận có liên quan đến đất rừng bị lấn chiếm. Đối với những hồ sơ này, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện bóc tách từng hồ sơ kiểm tra, đối chiếu trường hợp đất nào được cấp sổ đỏ, đất nào liên quan đến rừng thì cần dừng lại đợi cơ chế, chủ trương tháo gỡ”.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk - thừa nhận: Rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó, có không ít diện tích rừng quản lý của các Cty lâm nghiệp. “Việc giao rừng cho các Cty lâm nghiệp hiện đang còn nhiều bất cập như trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương...
Hữu Long (NLĐO)