Khách du lịch thăm quan vườn nho ở huyện Đắk Mil. Ảnh: Đức Hùng |
Khởi động du lịch canh nông
Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông, ở phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa vừa ra đời cách đây khoảng 5 tháng. Hiện HTX đã xây dựng mối liên kết với 8 HTX, công ty, chủ trang trại, các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch nông nghiệp.
Theo ông Ngô Trường Giang, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông thì việc đưa các sản phẩm nông nghiệp vào khai thác, phát triển du lịch không chỉ góp phần nâng cao giá trị về kinh tế mà còn ở nhiều khía cạnh khác.
Ngoài các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, điều... đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến thì vùng đất Đắk Nông còn phong phú các loại trái cây như: Bơ, sầu riêng, măng cụt, mắc ca, ca cao, cam, quýt, ổi. Thậm chí ngay cả lúa gạo cũng là một thế mạnh mà ít người biết đến.
"HTX đang đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Chúng tôi liên kết và khai thác thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của từng HTX, từng đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo nét đặc trưng riêng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn" - ông Giang cho hay.
HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, ở huyện Krông Nô là một trong số 8 thành viên của HTX Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông. Hiện HTX hiện có 65ha các loại cây ăn trái, rau, củ, quả các loại. Trong đó, có sản phẩm cam sành, quýt đường của HTX đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh.
HTX đang triển khai phát triển du lịch sinh thái. Từ năm 2022 đến nay, HTX đón khoảng 1.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
"Khách đến với HTX họ rất thích thú vì được hít thở bầu không khí trong lành, trực tiếp trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn. Việc này đã tạo cảm giác thư thái, thú vị cho khách du lịch" - bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho hay.
Khai thác tiềm năng lợi thế
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 60 sản phẩm hàng hóa được chứng nhận OCOP hạng từ 3-4 sao.
Việc các HTX liên kết phát triển du lịch nông nghiệp sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, từng địa điểm dừng chân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến Đắk Nông.
Trong đó, sự kết hợp giữa nông nghiệp và phát triển du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương nói chung, các HTX và người dân nói riêng.
Về lâu dài, các HTX cần tính đến việc liên kết với các đơn vị khai thác du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu văn hóa, con người và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Đắk Nông.
Đắk Nông có điều kiện phát triển nông nghiệp khá thuận lợi, với đa dạng cây trồng, vật nuôi và có khí hậu đặc trưng của miền đất đỏ bazan rộng lớn ở Tây Nguyên.
Ngoài ra, tỉnh còn có những thuận lợi như nhiều thác nước, sông suối, ao hồ, núi đồi, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Điều này đang mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh.
"Để khai thác tốt tiềm năng, các HTX và các đối tác cần quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, các dịch vụ, kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp. Đặc biệt, các HTX cần được hỗ trợ về vốn tốt hơn để tạo tiềm lực đầu tư phát triển ổn định, hiệu quả" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết.