Kinh tế

Nông nghiệp

Mang Yang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân, hợp tác xã (HTX) nên năm 2022, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) có thêm 13 sản phẩm mới và 4 sản phẩm đánh giá lại được công nhận đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.

Năm 2018, HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát (làng Git, xã Kon Chiêng) bắt đầu trồng thí điểm cây chanh dây vàng hương ổi. Đây là giống chanh dây mới lạ, được HTX phát hiện và lai ghép cho quả chín có màu vàng, độ ngọt cao, hạt nhỏ, đặc biệt có mùi hương ổi dịu dàng. Cây chanh dây vàng hương ổi thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng ở Kon Chiêng nên cho năng suất đạt 30-40 tấn/ha/chu kỳ cây. Hợp tác xã thu mua sản phẩm với giá 40-50 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với chanh dây tím. Ngoài ra, 100 cây giống chanh dây vàng hương ổi của HTX cũng đã được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận cây đầu dòng để nhân giống. Ông Trần Mạnh Hưng-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã đang liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Kon Chiêng và Đak Djrăng trồng hơn 10 ha chanh dây vàng hương ổi. Năm 2022, HTX có 2 sản phẩm là quả chanh dây vàng hương ổi và dầu chanh dây được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. “Đây là cơ hội để các sản phẩm của HTX được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất giống chanh này để góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân trong huyện”-ông Hưng cho biết thêm.

Ông Trần Mạnh Hưng-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát bên vườn ươm cây giống chanh dây vàng hương ổi. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Mạnh Hưng-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát bên vườn ươm cây giống chanh dây vàng hương ổi. Ảnh: Lê Nam

Lương y Trần Mạnh Cư (làng Đak Trang, xã Kon Thụp) là người dân tộc Tày quê ở Cao Bằng. Từ nhỏ, ông đã theo cha vào rừng tìm những cây thuốc quý. Khi vào xã Kon Thụp định cư, ông phát hiện ở đây có rất nhiều na rừng. Loại cây này có tên gọi khác là nắm cơm, na dây, xưn xe, ngũ vị tử nam. Khi chín, quả na rừng rất thơm, có chứa rất nhiều vitamin, canxi, chất béo, chất xơ... và là vị thuốc quý hỗ trợ điều trị một số bệnh. “Nhiều năm nay, tôi vừa khai thác, vừa thu mua lại của người dân trong vùng và chế biến sản phẩm na rừng sấy khô. Để nhân rộng, phổ biến bài thuốc quý này, tôi đã đưa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Năm nay, tôi sẽ đăng ký thêm 2 sản phẩm OCOP là sâm đương quy và dứa rừng sấy khô”-ông Cư chia sẻ.

Còn chị Vũ Thị Chinh (thôn 1, xã Ayun) cho hay: Nhà chị nhiều năm nay chuyên thu mua nấm linh chi sấy khô và mật ong rừng của người dân khai thác từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Mỗi năm, chị bán ra thị trường khoảng 300-500 lít mật ong rừng, khoảng 1 tạ nấm linh chi rừng khô. Với mong muốn xây dựng thương hiệu để nhiều người biết đến sản phẩm, chị đã gửi 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2022. “Có thương hiệu rồi, tôi sẽ mở rộng địa bàn thu mua cho bà con các làng vùng đệm ở những xã giáp với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thuộc các huyện Mang Yang, Kbang, Đak Đoa để giúp người dân có thêm thu nhập ổn định”-chị Chinh chia sẻ.

Năm 2022, huyện Mang Yang có 9 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng 13 sản phẩm OCOP mới và 3 chủ thể đánh giá lại 4 sản phẩm hết hạn năm 2019. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký logo, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng website, đăng ký sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, các sản phẩm được hỗ trợ quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện, tỉnh tổ chức; được quảng bá trên sàn thương mại điện tử, hội nghị xúc tiến thương mại. Đồng thời, các chủ thể được hỗ trợ kinh phí 60-70 triệu đồng/sản phẩm (giai đoạn 2019-2020), 20 triệu đồng/sản phẩm (năm 2021) và 30 triệu đồng/sản phẩm (năm 2022).

Hiện các chủ thể, HTX có sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai liên kết trồng trên 400 ha chanh dây; HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát trồng 10 ha chanh dây vàng hương ổi; HTX Nông lâm nghiệp-dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar) trồng 10 ha cây đu đủ đực lấy hoa và 5 ha khổ qua rừng; HTX Nông nghiệp-dịch vụ An Bình Phát (thị trấn Kon Dơng) trồng hơn 5 ha sả chanh để chiết xuất tinh dầu... Bên cạnh đó, huyện còn hướng dẫn các chủ thể, HTX đăng ký sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây lúa, chanh dây, dược liệu, sầu riêng...

Các sản phẩm nấm linh chi rừng và mật ong rừng của hộ kinh doanh Vũ Thị Chinh được chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Nam

Các sản phẩm nấm linh chi rừng và mật ong rừng của hộ kinh doanh Vũ Thị Chinh được chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Vinh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 38 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm đạt 4 sao). Chương trình OCOP đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân và thành viên các HTX nông nghiệp. Đồng thời, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng mở rộng được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. “Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 10-13 sản phẩm OCOP mới như: bột gạo Ba Chăm, gạo tấm Ba Chăm, rượu sâm đương quy, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương bưởi xịt dưỡng tóc, chanh dây sấy giòn, nước xịt phòng tinh dầu sả, gạo nương Đê Ar, trà thảo dược An Xoa, quả ổi lê Đài Loan, dứa rừng sấy khô, sâm đương quy sấy khô, hạt mắc ca sấy khô. Để tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP và đang quy hoạch, bố trí 1 cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của huyện tại thị trấn Kon Dơng”-ông Vinh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm