Liên quan đến vụ việc tạo lập khống 57 hồ sơ vụ án tại TAND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), nhưng cán bộ sai phạm chỉ bị "khiển trách", lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông vừa thông tin chính thức với báo chí về vụ việc và tiến trình xử lý các cá nhân sai phạm.
TAND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) nơi xảy ra vụ việc lập "khống" 57 bộ hồ sơ vụ án gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Ảnh: B.T |
Sai phạm nhưng chưa gây thiệt hại kinh tế
Ngày 17.6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về một số nội dung thông tin báo chí phản ánh do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, ông Ngô Đức Thọ - Chánh án TAND tỉnh này cho hay, theo tiến trình vụ việc, Bà Bùi Thị Dung - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song được bổ nhiệm vào tháng 7.2012 đến tháng 7.2017 thì hết nhiệm kỳ.
Nhận thấy tỷ lệ án hủy trong nhiệm kỳ cao hơn mức quy định (1,16%) nên đầu năm 2016 Bà Dung đã nhờ các cá nhân quen biết và bản thân tự nộp nhiều đơn khởi kiện không có bị đơn và tranh chấp trên thực tế tại TAND huyện Đắk Song.
Cá nhân bà Dung tự bỏ tiền để đóng tạm ứng án phí và báo cáo lãnh đạo xin được xét xử nhiều án để nâng cao tỷ lệ xét xử giảm tỉ lệ án hủy để được đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp.
Các hồ sơ trên gồm 57 bộ đã được TAND huyện Đắk Song thụ lý và giao cho một số thẩm phán, thư ký giải quyết theo hướng đình chỉ do đương sự rút đơn khởi kiện.
Sau khi nắm được thông tin, tháng 12.2016, Chánh án TAND tỉnh đã ra Quyết định hủy kết quả thi đua đối với TAND huyện Đắk Song...hạ mức đánh giá cán bộ công chức đối với đồng chí Phạm Văn Phiếm (lúc này là Chánh án TAND huyện Đắk Song).
Ngay sau đó, Chánh án TAND tỉnh đã chủ động trao đổi, phối hợp với lãnh đạo VKSND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra làm rõ.
Tháng 3.2017, bà Dung đã có đơn xin thôi việc với lý do cá nhân và được cho thôi việc kể từ ngày 1.4.2017.
“Các hành vi vi phạm của công chức, Thẩm phán TAND huyện Đắk Song đã xảy ra từ lâu. Sau khi phát hiện vi phạm Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận về sai phạm của công chức, thẩm phán có liên quan.
Các sai phạm nêu trên không có vụ lợi về vật chất, chưa gây thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân và nhà nước; TAND huyện Đắk Song đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trước cơ quan, đơn vị; một số công chức, thẩm phán có vi phạm đã nghỉ việc”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Ngô Đức Thọ - Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông thông tin với báo chí về vụ việc. Ảnh: B.T |
Xử lý cán bộ liệu đã thoả đáng?
Tháng 5.2017, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp kiểm điểm tại TAND huyện Đắk Song đối với ông Phạm Văn Phiếm và các cá nhân vi phạm. Sau khi đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, thái độ, vai trò, trách nhiệm, hành vi vi phạm của các cá nhân, TAND tỉnh kết luận không xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Văn Phiếm và công chức liên quan mà kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm tại cơ quan, đơn vị.
Đến tháng 7.2020, TAND tối cao đã đề nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí công tác những người vi phạm liên quan đến vụ việc nhằm đảm bảo mục đích phòng ngừa, giáo dục theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ông Phạm Văn Phiếm được điều về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức; bà Nguyễn Thị Hải Âu về làm Phó chánh án TAND huyện Krông Nô; ông Phan Xuân Hoàng - (thẩm phán sơ cấp) cũng được điều động về công tác tại TAND huyện Krông Nô; ông Nguyễn Xuân Triệu - (thẩm phán sơ cấp về TAND huyện Tuy Đức.
Tại kỳ họp này thứ 7, năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách" đối với ông Phạm Văn Phiếm, Nguyễn Thị Hải Âu, Nguyễn Xuân Triệu.
Ông Thọ tiếp tục cho biết: "Vụ việc đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với ngành toà án địa phương. Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành toà án tỉnh thì tôi phải cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho báo chí, người dân. Sau khi khi có kết luận thanh tra của TAND tối cao thì cá nhân tôi đã làm báo cáo, bản kiểm điểm gửi TAND tỉnh lẫn TAND tối cao. Quan điểm của chúng tôi là luôn cầu thị, lắng nghe và nghiêm túc kiểm điểm rút kiểm điểm để khắc phục và sửa chữa vi phạm. Nếu làm chưa đúng, chưa đầy đủ thì phải tiếp thu để làm cho đúng, cho đầy đủ.
Chúng tôi đã chưa giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ dẫn đến họ có suy nghĩ lệch lạc, làm việc đối phó. Quá trình xử lý cán bộ cơ quan chức năng còn xem xét đến động cơ, mục đích vi phạm, việc khắc phục hậu quả...rồi mới đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp".
BẢO TRUNG (LĐO)