Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đak Pơ: Bảo tồn, gìn giữ di tích Hòn đá ông Nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hòn đá ông Nhạc (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) thuộc quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991. Để bảo tồn, gìn giữ di tích, từ năm 2017 đến nay, huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã đầu tư xây cổng, xây kè, làm hàng rào bảo vệ.
Từ làng Đê Chơ Gang, theo hướng Đông Nam, qua hồ Tờ Đo ra khu sản xuất của người dân khoảng 2 km sẽ gặp di tích Hòn đá ông Nhạc. Bao quanh di tích là những ruộng rau, rẫy mía, mì xanh mướt. Ông Đinh Văn Cao-Trưởng thôn Đê Chơ Gang-cho hay: Ruộng rẫy này là của bà con trong làng. Tuy trồng trọt bên cạnh di tích nhưng mọi người luôn có ý thức bảo vệ, không ai xâm phạm, phá hoại. Đưa mắt về phía hòn đá, ông Cao kể: Nghe các bậc cao niên truyền lại rằng, ngày xưa có một người đàn ông người Kinh thường đến vùng này mua trầu, có khi ông đổi muối lấy trầu. Lâu dần người ta gọi ông là ông Hai Trầu hay bok Nhạc (Nguyễn Nhạc). Bok Nhạc thường ngồi lên hòn đá đó nghỉ chân. Người làng mình gọi là Đá bok Nhạc. Sau này khi 3 anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa, đây cũng là nơi hội họp tướng lĩnh. Dưới lòng suối Chơ Ngao gần đó cũng còn có một hòn đá khá to, được cho là nơi mài kiếm của quân lính nhà Tây Sơn.
 Đá bok Nhạc được chính quyền và nhân dân huyện Đak Pơ gìn giữ và bảo tồn. Ảnh: N.M
Đá bok Nhạc được chính quyền và nhân dân huyện Đak Pơ gìn giữ và bảo tồn. Ảnh: N.M
Theo ông Cao, nhằm thể hiện tấm lòng người dân Bahnar với phong trào Tây Sơn, đặc biệt tưởng nhớ công lao to lớn của Tây Sơn tam kiệt khi lập nên những chiến công hiển hách, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh và tiêu diệt quân Xiêm, dẹp thù trong giặc ngoài, thu giang sơn về một mối, hàng năm, các cụ trong làng chọn một ngày tổ chức lễ cúng tại di tích Hòn đá ông Nhạc. Trải qua hơn 200 năm, Đá bok Nhạc luôn là vật thiêng được dân làng gìn giữ, bảo vệ. 
Năm 2017, huyện Đak Pơ đã tiến hành xây cổng và làm hàng rào bao quanh di tích Hòn đá ông Nhạc với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng. Năm 2018, huyện tiếp tục xuất ngân sách 70 triệu đồng để xây sân bê tông, xây bậc cấp và kè chắn đất. Gần đây, huyện đầu tư thêm 70 triệu đồng để xây kè chắn đất phần tiếp giáp với suối Chơ Ngao, tạo thành khuôn viên có diện tích trên 400 m2. 
Hòn đá dười lòng suối Chơ Ngao được cho là nơi mài kiếm của quân lính nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Hòn đá dười lòng suối Chơ Ngao được cho là nơi mài kiếm của quân lính nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Nguyễn Thanh Hiền-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ-cho biết: Trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện, Hòn đá ông Nhạc là điểm kết nối với bia đá Chăm (thôn Tư Lương, xã Tân An), Đền tưởng niệm Chiến thắng Đak Pơ và đồi thông Hà Tam nhằm tạo thành tour tuyến phục vụ khách du lịch mỗi lần ghé thăm Đak Pơ. Ngoài ra, Hòn đá ông Nhạc cũng là một trong những điểm du lịch kết nối với các cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc (huyện Kông Chro), Vườn mít-Cánh đồng cô Hầu (huyện Kbang) và Gò Chợ, Gò Kho, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Xóm Ké, Miếu Xà... (thị xã An Khê). “Năm 2020, huyện tiếp tục đầu tư cải tạo khuôn viên, trồng cây xanh và đề nghị làm bia di tích. Huyện đã đề xuất với tỉnh xây dựng tuyến đường từ đập Tờ Đo đến khu di tích có chiều dài 2,1 km với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Sau khi đường được xây dựng sẽ tạo điều kiện để việc đi lại của người dân cũng như du khách vào tham quan, nghiên cứu thuận lợi hơn, góp phần phát triển du lịch huyện nhà”-ông Hiền thông tin thêm. 
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm