Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đak Pơ đánh mất vị thế ở môn cà kheo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ lâu, huyện Đak Pơ được xem là cái nôi của bộ môn cà kheo tại cao nguyên Gia Lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Đak Pơ đã dần đánh mất vị thế khi không còn nằm trong top đầu. 
Cái nôi của môn cà kheo
Với một địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển thể dục thể thao (TDTT) như Đak Pơ thì môn cà kheo là một trong những “mỏ vàng” tại các giải đấu thể thao cấp tỉnh. Đây là môn thi truyền thống với dụng cụ dễ trang bị và dựa trên sự dẻo dai, khéo léo của các thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Tại các hội thi thể thao các dân tộc thiểu số hoặc đại hội TDTT toàn tỉnh, các vận động viên (VĐV) Đak Pơ luôn khẳng định sức mạnh vượt trội. Nhiều năm liền, họ luôn giữ được vị trí số 1 của làng cà kheo tỉnh nhà. Đơn cử như tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2009, họ giành đến 5 trong tổng số 6 bộ huy chương. 
Ông Lê Thái Ngọc-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho hay: Phong trào chạy cà kheo tại Đak Pơ nổi lên từ những năm đầu thành lập huyện. Khi đường sá chưa được đầu tư xây dựng, người dân thường dùng cà kheo để đi lại qua những đoạn đường lầy lội hoặc qua sông suối. Từ đó mà người Bahnar nơi đây được rèn luyện khả năng sử dụng cà kheo như chính đôi chân thứ 2 của mình. Những đứa trẻ mới lớn cũng đã tập đi cà kheo như trò chơi thời thơ ấu.
Vận động viên Đinh Văn Ách (bìa trái) trên đường chạy cà kheo. Ảnh: Lê Gia
Vận động viên Đinh Văn Ách (bìa trái) trên đường chạy cà kheo. Ảnh: Lê Gia
“Ngày trước, chúng tôi không khó để tìm VĐV tham gia thi cà kheo vì hầu hết thanh-thiếu niên ở các xã Ya Hội, Yang Bắc đều thành thạo môn này. Chỉ cần tập trung các em ít ngày tập luyện để quen với luật và phân phối sức cho từng cự ly là có thể tham gia thi đấu. Trong giai đoạn 2006-2014, Đak Pơ luôn ở vị trí số 1 tại các cuộc thi ở tỉnh, nổi trội là những VĐV như: Đinh Lek, Đinh Văn Đuôn, Đinh Thị Lênh”-ông Ngọc kể. 
Còn ông Ngô Gia Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh thì cho hay: “Trước đây, Đak Pơ là cái nôi cung cấp nguồn VĐV cho tỉnh để tranh tài tại hội thi các dân tộc thiểu số toàn quốc. Các VĐV của Đak Pơ rất dẻo dai, khỏe khoắn, kỹ năng điêu luyện, nhờ đó mà cà kheo cũng trở thành thế mạnh của Gia Lai trong các giải đấu này. Nhưng thời gian gần đây, khi các đơn vị như Chư Păh, Đức Cơ, Phú Thiện, Ia Grai… trỗi dậy mạnh mẽ thì Đak Pơ lại tụt dốc, không đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác”. 
Đánh mất vị thế
Tại Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2018, Đak Pơ đã lần đầu tiên bị bật khỏi top 3, xếp sau các huyện: Đức Cơ, Chư Păh và Phú Thiện. Còn tại Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2022, Đak Pơ cũng không lọt vào top 3 khi chỉ giành được 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Thậm chí, ở Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2022, Đak Pơ không có VĐV tham gia ở môn cà kheo. 
Tại kỳ đại hội này, VĐV Đinh Văn Ách (làng Jun, xã Yang Bắc) vẫn thi đấu nhưng phong độ không còn sung sức như trước vì đã lớn tuổi. Anh bày tỏ: “Mình lớn tuổi rồi, không còn giữ tốc độ như ngày trước nữa. Không những thế, sau khi lập gia đình, mình thường xuyên đi làm thuê nên không có thời gian tập luyện. Lũ trẻ bây giờ cũng không tập luyện môn cà kheo”. 
Phong trào đi xuống khiến việc tìm kiếm VĐV cà kheo để thi đấu gặp khó khăn. Ông Ngọc bộc bạch: “Mỗi lần có giải, chúng tôi phải vận động các VĐV tiếp tục tham gia nhưng không đạt thành tích như mong muốn vì đã luống tuổi. Trong khi ở môn này, các huyện như Đức Cơ, Chư Păh đầu tư mạnh, các VĐV ở độ tuổi 15-20 chạy rất nhanh. Hiện tại, chúng tôi tìm VĐV trẻ kế cận rất khó vì không còn mấy người chơi cà kheo. Để khôi phục môn thể thao truyền thống này, thiết nghĩ, các làng, xã nên tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao gắn với các trò chơi dân gian như cà kheo và có chế độ hỗ trợ tương xứng dành cho các VĐV đạt thành tích cao”.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm