Chính trị

Đak Pơ: Dấu ấn 20 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Huyện Đak Pơ được thành lập vào ngày 9-12-2003 theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP của Chính phủ. 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, lập nhiều thành tích trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Chặng đường vẻ vang

Cách đây 20 năm, huyện Đak Pơ được thành lập với 49 cán bộ, công chức, viên chức được điều động từ huyện An Khê (cũ). Ngày đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, trình độ dân trí thấp... Những khó khăn, thách thức của những ngày đầu thành lập đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế để xây dựng huyện Đak Pơ phát triển toàn diện.

Đến nay, huyện Đak Pơ đã có bước phát triển khá, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ nét; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Năm 2023, tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 45,12%, công nghiệp-xây dựng chiếm 36,71%, thương mại-dịch vụ chiếm 18,17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,84 triệu đồng.

Ngành nông nghiệp liên tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh mía, mì, bắp, rau… với tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 2.735 tỷ đồng. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng; công tác khuyến nông, khuyến lâm với nhiều mô hình kinh tế trang trại, nhiều chương trình, dự án ứng dụng quy trình công nghệ cao đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất; diện tích, năng suất các loại cây trồng tăng qua các năm. Tổng diện tích gieo trồng từ 12.652 ha năm 2004 tăng lên 23.545 ha năm 2023.

Thị trấn Đak Pơ ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Minh

Thị trấn Đak Pơ ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngọc Minh

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai có hiệu quả. Đến cuối năm 2023, huyện đạt 3/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; 5 xã đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên; 2 xã đạt 9 tiêu chí nông thôn mới; làng Jun và làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc) đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 9 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện theo tiêu chí mới.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Năm 2023, huyện triển khai 33 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 95,6 tỷ đồng. Đến nay, 100% thôn, làng có điện và 99,96% số hộ sử dụng điện; 100% người dân được dùng nước hợp vệ sinh. Sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 1.208 cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng 732 cơ sở so với năm 2004. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt 36,528 tỷ đồng. Công tác chi ngân sách được thực hiện tốt, đảm bảo phục vụ kịp thời các hoạt động của huyện.

Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 812 hộ nghèo, chiếm 6,97%. Chất lượng giáo dục-đào tạo không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 23 trường học với 9.519 học sinh các cấp; 18/23 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 78,26%.

Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng; cơ sở vật chất, trang-thiết bị ngành Y tế được quan tâm đầu tư, bình quân có 21,14 giường bệnh/vạn dân; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác bảo hiểm y tế được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đã có 94,2% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin truyền thông đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư theo hướng xã hội hóa; việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được quan tâm đầy đủ, duy trì tổ chức các hội thi, liên hoan ca múa nhạc dân gian, cồng chiêng ở các làng, xã và huyện. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục. Đến nay, 84,46% hộ dân trong huyện được công nhận gia đình văn hóa; 95,92% thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Kỳ vọng đổi thay

Để đạt được những kết quả toàn diện, to lớn nói trên, Đảng bộ huyện đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo; tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên. Toàn huyện có 35 tổ chức cơ sở Đảng với 1.839 đảng viên, tăng 12 tổ chức cơ sở Đảng và 1.289 đảng viên so với năm 2004; 100% thôn, làng có chi bộ. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng trong các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương. Cán bộ, đảng viên và người dân đã nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân có thêm niềm tin, động lực phấn đấu, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình theo gương Bác.

Trong 20 năm qua, huyện Đak Pơ có 1 tập thể được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, 5 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Chính phủ tặng cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 2 tập thể và 7 cá nhân. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được Trung ương, tỉnh, các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên được đặc biệt chú trọng. Trong 20 năm qua, huyện đã cử 503 cán bộ đi học trung cấp lý luận chính trị, 116 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị. Hàng năm, một số cán bộ, công chức theo học các lớp sau đại học; tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức ở cơ sở. Đã đề bạt, bổ nhiệm 293 cán bộ giữ chức trưởng, phó các phòng, ban trở lên; điều động, luân chuyển 36 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức. Hầu hết cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển đều phát huy tốt năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác kiểm tra của Đảng được Đảng bộ huyện chú trọng, chỉ đạo thực hiện nghiêm. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra từ huyện đến cơ sở có đủ phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, triển khai thực hiện tốt quy định của Đảng và nhiệm vụ của cấp ủy giao, góp phần tích cực trong việc củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, đồng thời có tác dụng xây dựng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng, củng cố Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó đã xuất hiện các mô hình, điển hình tiên tiến; khơi dậy tinh thần yêu nước, tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các tầng lớp nhân dân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đak Pơ quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững; đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên địa bàn. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra.

BÙI VĂN KHÁNH

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm