Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Đak Pơ quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, huyện Đak Pơ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư phát triển sản phẩm OCOP. Theo tiêu chí mới, Đak Pơ hiện có 8 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện.

“Gắn sao” cho sản phẩm

Cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đak Pơ đã công nhận các sản phẩm: trà bạc hà, trà bí đao, trà hoa cúc, tinh dầu bạc hà của Công ty TNHH Dược thảo Lila (xã Tân An); trà mộc nụ hòe của Công ty TNHH Dosri Farm (xã Tân An); rượu ghè Tuyết của hộ bà Đinh Thị H’Phiên (thị trấn Đak Pơ) đạt OCOP 3 sao cấp huyện.

Bà H’Phiên cho biết: Năm 2010, bà bắt đầu làm rượu ghè cung ứng cho thị trường trong tỉnh, đồng thời xây dựng thương hiệu rượu ghè Tuyết. Mỗi ngày, bà nấu 10-12 nồi bo bo và bông cỏ để ủ rượu, mỗi nồi ủ được khoảng 10 ghè. Giá bán 250-500 ngàn đồng/ghè với 3 hương vị gồm: bo bo, bông cỏ và thập cẩm. Trong quá trình chế biến, bà chú trọng giữ hương vị đặc trưng và không ngừng sáng tạo để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

“Năm 2019, sản phẩm rượu ghè Tuyết được UBND huyện Đak Pơ trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến năm 2020, rượu ghè Tuyết được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo quy định, từ năm 2023, sản phẩm OCOP 3 sao do Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá. Cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đak Pơ đánh giá sản phẩm rượu ghè Tuyết đạt OCOP 3 cấp huyện”-bà H’Phiên bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) giới thiệu sản phẩm trà bí đao. Ảnh: N.M

Chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) giới thiệu sản phẩm trà bí đao. Ảnh: N.M

Đầu năm 2022, sau khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng về sản phẩm Linh Lăng trà, chị Nguyễn Thị Thu Trang (thôn Tân Phong, xã Tân An) đã đầu tư hơn 280 triệu đồng mua sắm nồi nấu cao-chiết xuất tinh dầu, nồi cô cao; mua các loại máy sấy, trộn, ép dược liệu, đóng gói, gắn nhãn và xây dựng cơ sở sản xuất. Sau đó, chị thành lập Công ty TNHH Dược thảo LiLa do mình làm Giám đốc. Doanh thu của Công ty đạt 30-40 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với tiền công 200-300 ngàn đồng/ngày. Đến cuối năm 2022, sản phẩm Linh Lăng trà được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm Linh Lăng trà, Công ty liên kết trồng, thu mua nguyên liệu của người dân để sản xuất trà bạc hà, trà bí đao, trà hoa cúc và tinh dầu bạc hà. Cả 4 sản phẩm đều được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá đạt OCOP 3 sao cấp huyện năm 2023. Năm 2023, từ nguồn ngân sách trung ương, huyện đã hỗ trợ Công ty 30 triệu đồng để mở điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại thôn An Sơn, xã Cư An. Công ty sẽ tiếp tục tham gia Chương trình OCOP và nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm”-chị Trang phấn khởi nói.

Theo tiêu chí mới, huyện Đak Pơ hiện có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Ngọc Minh

Theo tiêu chí mới, huyện Đak Pơ hiện có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Phạm Thị Ngọc Loan-Phó Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: Xã thường xuyên rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách Chương trình OCOP và các chủ thể tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; xây dựng phương án marketing, kế hoạch tài chính, tiếp thị, nghiên cứu phát triển sản xuất.

Ngoài ra, xã còn chủ động triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện cho các chủ thể sản xuất; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để tập trung nguồn lực thực hiện, tạo động lực khuyến khích các chủ thể tham gia và phát triển sản phẩm OCOP.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Đầu năm 2014, ông Trần Văn Hồ (thôn 5, xã An Thành) trồng 1 ha sả Java theo hướng hữu cơ. Khi vùng nguyên liệu ổn định, ông đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng khu sản xuất và mua nồi chưng cất, hệ thống chiết xuất tinh dầu sả. Ông Hồ cho hay: Nhiều năm nay, sản phẩm tinh dầu sả Ngọc Anh của gia đình được giới thiệu tại các sự kiện, phiên chợ, ngày hội do chính quyền địa phương tổ chức và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

“Tinh dầu sả Ngọc Anh được xã chọn tham gia Chương trình OCOP của huyện năm 2024. Điều này tạo động lực để gia đình nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết với thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Thành mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”-ông Hồ chia sẻ.

Sản phẩm tinh dầu sả Ngọc Anh của hộ ông Trần Văn Hồ được xã An Thành (huyện Đak Pơ) chọn đăng ký sản phẩm OCOP năm 2024. Ảnh: Ngọc Minh

Sản phẩm tinh dầu sả Ngọc Anh của hộ ông Trần Văn Hồ được xã An Thành (huyện Đak Pơ) chọn đăng ký sản phẩm OCOP năm 2024. Ảnh: Ngọc Minh

Qua rà soát, xã Cư An chọn sản phẩm bún tươi Thanh Hà của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hà (thôn Chí Công) để đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện năm 2024. Ông Cáp Văn Nhân-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Để đạt mục tiêu đề ra, xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn hộ bà Hà hoàn thành hồ sơ liên quan, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Cùng với đó, xã vận động gia đình duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Trao đổi về việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn, ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Năm 2024, huyện phấn đấu có 8 sản phẩm OCOP. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nghiên cứu vận dụng các cơ chế chính sách, nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP; ưu tiên phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; hướng dẫn các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm theo quy trình, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như: Organic, GlobalGAP, GMP, VietGAP. Đồng thời, xây dựng câu chuyện sản phẩm theo hướng gắn với địa danh, các yếu tố văn hóa tại địa phương và nêu bật tính đặc trưng của sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm