Kinh tế

Đak Pơ: Đầu tư có trọng điểm để không xảy ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tập trung đầu tư những dự án cấp thiết, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên cho các dự án, công trình được phê duyệt quyết toán là giải pháp mà huyện Đak Pơ triển khai để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tránh nợ đọng xây trong dựng cơ bản.

Đầu tư có trọng điểm

Dự án đầu tư xây mới phòng học, phòng chức năng Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Tân An) là một trong những công trình trọng điểm của huyện Đak Pơ trong giai đoạn 2021-2025. Cô Lê Thị Minh Nguyệt-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca chia sẻ: “Trước khi được đầu tư, trường có 5 phòng học và thiếu phòng hiệu bộ. Do các phòng học được xây từ năm 1998 nên bị xuống cấp, mùa mưa luôn bị ẩm ướt, nước mưa tạt vào cửa, nền gạch bị bong tróc gần như toàn bộ, cửa kính bị vỡ nhiều, mái trần hỏng. Bên cạnh đó, các lớp học được thiết kế dành cho học sinh tiểu học nên không phù hợp cho các cháu mầm non, phòng học diện tích nhỏ không đảm bảo với quy mô số trẻ trên lớp. Chưa kể, trường cũng không có nhà vệ sinh riêng...”.

Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Tân An, huyện Đak Pơ) được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hà Duy
Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Tân An, huyện Đak Pơ) được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hà Duy

Để đảm bảo cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu dạy và học, dự án nhà học 2 tầng với 6 phòng, phòng đa chức năng, sân chơi và các hạng mục phụ cho Trường Mẫu giáo Sơn Ca đã được huyện Đak Pơ quyết định đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 6,75 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng tháng 3-2023. "Năm học này, trường có gần 300 học sinh. Để phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư, chúng tôi thường xuyên kiểm tra các công trình vệ sinh của trẻ để đảm bảo đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, rà soát đồ dùng thiết bị hư hỏng để sửa chữa thay thế và bổ sung kịp thời, ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho các cháu”-cô Nguyệt cho biết thêm.

Một dự án khác cũng là dự án trọng điểm và có ý nghĩa vô cùng quan trọng là đường liên xã Tân An nối với xã Yang Bắc và Phú An. Dự án có tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng. Ông Huỳnh Hữu Tuấn-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đak Pơ cho biết: “Tuyến đường liên xã này được triển khai xây dựng từ km 4+34-km 6+50 m. Bên cạnh mặt đường bê tông xi măng rộng 5,5 m theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi thì dự án còn xây dựng công trình thoát nước dọc, thoát nước ngang và các công trình phòng hộ trên toàn tuyến. Đường liên xã được đầu tư đã đáp ứng được nhu cầu giao thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân 3 xã Tân An, Yang Bắc, Phú An, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương”.

Con đường kết nối xã Tân An với 2 xã Yang Bắc và Phú An được đổ bê tông rộng rãi, kiên cố. Ảnh: Hà Duy
Con đường kết nối xã Tân An với 2 xã Yang Bắc và Phú An được đổ bê tông rộng rãi, kiên cố. Ảnh: Hà Duy

Anh Đinh Kun (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc) bày tỏ: “Người dân chúng tôi vô cùng vui mừng khi con đường này được xây dựng. Trước kia, việc di chuyển từ xã đến trung tâm huyện rất khó khăn, vì lúc đó chỉ là con đường đất nhỏ, vào mùa mưa thường bị lầy lội, còn mùa nắng thì bụi mịt mù. Tuyến đường hoàn thành đã giúp người dân đi lại được thuận lợi hơn nên người dân rất phấn khởi”.

Không để nợ đọng

Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó. Nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, như làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tăng chi phí đầu tư, làm giảm nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác...

Bởi vậy, huyện Đak Pơ đã nỗ lực hết sức để không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Bà Phạm Thị Thúy Oanh-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đak Pơ cho biết, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã có 30 dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, tổng giá trị đề nghị quyết toán hơn 103,5 tỷ đồng, tổng giá trị phê duyệt quyết toán hơn 97 tỷ đồng.

Riêng năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư huyện được giao là 87,652 tỷ đồng, triển khai 43 dự án, trong đó có 1 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, 9 dự án chuyển tiếp, 8 dự án khởi công mới, 26 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến ngày 6-9-2024, khối lượng toàn huyện thực hiện là hơn 29 tỷ đồng, đạt 33,12% kế hoạch; giải ngân hơn 29 tỷ đồng, đạt 33,12% kế hoạch.

Huyện Đak Pơ ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết, có ý nghĩa lan tỏa, kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ảnh: Hà Duy
Huyện Đak Pơ ưu tiên đầu tư các dự án cấp thiết, có ý nghĩa lan tỏa, kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, công tác triển khai các dự án đầu tư công huyện Đak Pơ cũng gặp một số khó khăn khách quan. Một trong số đó liên quan đến nguồn cung ứng vật liệu xây dựng. Trên địa bàn huyện hiện đang triển khai Dự án nâng cấp Quốc lộ 19, dự án này cần sử dụng lượng vật liệu xây dựng như cát, cấp phối đá dăm... lớn. Trong khi đó, trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 của huyện Đak Pơ có dự án Đường giao thông huyện Đak Pơ (dự án chiếm tận 22% kế hoạch vốn năm 2024 của huyện), dự án đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai do thiếu nguồn cung ứng vật liệu cát, cấp phối đá dăm... Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch nhà ở năm 2024 của huyện Đak Pơ, huyện đang tiến hành các bước triển khai tổ chức đấu giá đất nên các công trình đầu tư năm 2024 từ tiền sử dụng đất hiện nay vẫn chưa thể triển khai ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của huyện.

“Đối với năm 2024, hiện huyện đã quyết toán 5 dự án, giá trị đề nghị quyết toán là 23,555 tỷ đồng, giá trị phê duyệt quyết toán 17,532 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án từ các năm trước chuyển sang; 5 công trình, dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán trong năm. Huyện đang cố gắng để đảm bảo thời gian quyết toán theo quy định đối với các công trình, dự án”-bà Oanh cho hay.

Có thể bạn quan tâm