Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Đak Pơ hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều đoàn viên, thanh niên ở Đak Pơ đã đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả.

Chuyển đổi sản xuất để nâng cao thu nhập

Năm 2016, anh Nguyễn Thành Đạt (thôn An Phú, xã Phú An, huyện Đak Pơ) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà thả vườn trên diện tích trồng rau màu trước đây. Hàng năm, anh Đạt cung ứng ra thị trường hơn 6.000 con gà thương phẩm, giá bán 80-100 ngàn đồng/kg, thu gần 130 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tích góp được vốn, đầu năm 2019, anh xây dựng chuồng nuôi bò vỗ béo. “Với quỹ đất 5 sào, tôi xây dựng chuồng trại, còn lại trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi gà và bò vỗ béo đã mang lại lợi nhuận cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng rau”-anh Đạt cho biết.

Chăn nuôi bò vỗ béo và gà đã mang lại lợi nhuân cho gia đình anh Nguyễn Thành Đạt (thôn An Phú, xã Phú An) gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng rau. Ảnh: Ngọc Minh
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và gà thả vườn đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Nguyễn Thành Đạt (thôn An Phú, xã Phú An) gần 200 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng rau. Ảnh: Ngọc Minh


Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thế Hào (thôn Tân Phong, xã Tân An) có hơn 2 ha đất trồng khổ qua, dưa leo và lúa. Giữa năm 2020, anh chuyển hơn 7 sào đất gò sang trồng cỏ voi và xây dựng chuồng trại nuôi bò vỗ béo. Anh mua bò lai hoặc bò 3B về chăm sóc và vỗ béo khoảng 6 tháng thì xuất bán.

Để vỗ béo đàn bò, hàng ngày, anh bổ sung đầy đủ các loại thức ăn và muối khoáng kết hợp tận dụng nguồn thức ăn rơm rạ và cỏ. Cách phối trộn thức ăn này giúp đàn bò hạn chế được các bệnh về đường ruột. Ngoài ra, anh luôn tuân thủ khâu tiêm vắc xin phòng bệnh theo định kỳ, chú trọng vệ sinh chuồng trại. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học, đàn bò mau lớn, ít dịch bệnh. “Vừa rồi, tôi xuất bán 9 con bò, lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn 18 con. Ngoài ra, tôi còn thu nhập khoảng 170 triệu đồng/năm từ trồng rau màu và lúa. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình nuôi bò vỗ béo và chăn nuôi dê”-anh Hào nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trung Luân (thôn 1, xã Hà Tam) lại khởi nghiệp bằng nghề cơ khí. Anh cho hay: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh quyết định ra Bắc xin vào một số xưởng cơ khí vừa học vừa làm. Năm 2016, được gia đình ủng hộ và vay mượn thêm, anh mua sắm thiết bị để mở tiệm. Sau 3 năm, anh không những trả được hết nợ mà còn có vốn đầu tư 200 triệu đồng mua máy móc, trang-thiết bị để mở rộng xưởng sản xuất. “Ngoài cửa sắt, mái hiên, hàng rào, xưởng của tôi cung ứng các sản phẩm bàn, ghế, tủ inox. Mỗi năm, tôi tích lũy gần 200 triệu đồng và tạo việc làm cho 2 thanh niên với mức tiền công hơn 9 triệu đồng/tháng/người”-anh Luân chia sẻ.

Tích cực hỗ trợ thanh niên

Nhằm tiếp sức cho đoàn viên, thanh niên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bên cạnh hỗ trợ cây con giống, Huyện Đoàn Đak Pơ phối hợp với ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên; hướng dẫn thủ tục vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để thanh niên đầu tư, mua sắm trang-thiết bị, vật tư nông nghiệp. Anh Trần Vi Tình-Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ-cho hay: “Đến nay, toàn huyện có 955 hộ thanh niên vay vốn với tổng dư nợ hơn 34,2 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 20 tổ vay vốn và tiết kiệm do Đoàn Thanh niên quản lý, góp phần tạo điều kiện cho hàng chục hộ thanh niên có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh”.

Anh Nguyễn Trung Luân (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ xưởng cơ khí. Ảnh: Ngọc Minh
Anh Nguyễn Trung Luân (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ xưởng cơ khí. Ảnh: Ngọc Minh


Theo Bí thư Huyện Đoàn Đak Pơ, qua tiếp cận các nguồn vốn, nhiều thanh niên đã đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả. Đơn cử như: anh Thiều Trung Thành (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) có mô hình vườn-ao-chuồng-rừng; anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5, xã An Thành) trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ; anh Hà Công Thành (thôn Tân Hội, xã Tân An) trồng măng tây xanh; anh Triệu Văn Lộc (làng Mông, xã Ya Hội) trồng chuối xen đu đủ kết hợp tưới nhỏ giọt.

Những năm qua, Huyện Đoàn Đak Pơ cũng tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề; tổ chức tham quan, học hỏi một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá lồng, trồng hoa, rau công nghệ cao ở các huyện, thị xã trong tỉnh.

Nói về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, anh Tình thông tin: “Huyện Đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Đoàn các cấp về lập nghiệp, khởi nghiệp; tiếp tục tổ chức cho thanh niên tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, Huyện Đoàn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực nhằm giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế; phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương; đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số”.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm