Điểm đến Gia Lai

Đak Tơ Ve nỗ lực vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đak Tơ Ve là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Để vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, xã đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ người dân thoát nghèo

Ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Đak Tơ Ve là xã nông nghiệp, xuất phát điểm thấp. Vì vậy, giải pháp mang tính lâu dài của địa phương là tập trung sản xuất theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và đáp ứng nhu cầu thị trường; thâm canh, tăng vụ lúa ruộng nước gắn với khai thác hiệu quả nguồn nước tự nhiên phục vụ sản xuất; chủ động phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Cũng theo ông Văn, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo bền vững với các giải pháp phù hợp như: tăng cường tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng trong công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hướng dẫn các thôn, làng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế; hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trao đổi về công tác giảm nghèo ở các làng dân tộc thiểu số tại xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh. Ảnh: Thanh Nhật

Cùng với đó, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” vận động tại xã và kinh phí do MTTQ huyện điều phối, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo. Các tổ chức chính trị-xã hội thành viên phối hợp thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn cho hộ khó khăn phát triển sản xuất, góp phần vào công tác an sinh xã hội.

Ông Khiu (làng Om) trước đây ở nhà dột nát, đông con, cuộc sống rất khó khăn. Được địa phương quan tâm giúp đỡ, ông đã xây dựng ngôi nhà mới và có vốn phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Một trường hợp khác là ông Brih (làng Tuêk). Ông cho hay: “Trước đây, gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, gia đình được hỗ trợ gạo cứu đói, vay vốn đầu tư sản xuất. Hiện gia đình mình làm lúa nước, trồng mì, chăn nuôi gà và đời sống hiện đã ổn định”.

Với sự quan tâm sâu sát của hệ thống chính trị, cùng nỗ lực vươn lên của người dân, xã Đak Tơ Ve đã có bước chuyển biến quan trọng. Đời sống, việc làm, thu nhập bình quân của người dân trong xã tăng lên đáng kể. Hiện toàn xã còn 167 hộ nghèo, chiếm 26,63% dân số.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Đak Tơ Ve mới đạt 6/19 tiêu chí. Xác định đây là một trong những chương trình trọng tâm, UBND xã triển khai các dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng như: làm đường giao thông làng Mor, sửa chữa đường giao thông làng Tuêk, sửa chữa 5 nhà sinh hoạt cộng đồng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xã tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ xây dựng 13 chuồng bò và cấp 14 con bò sinh sản.

Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve cho biết: Cuối năm 2022, UBND huyện có quyết định phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tại Đak Tơ Ve, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đầu tư xây dựng một số công trình ở làng. Vốn chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đầu tư hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Bên cạnh đó là các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Hiện nay, UBND xã tiếp tục liên hệ, phối hợp cùng ban, ngành của huyện và các đơn vị liên quan tiến hành các bước triển khai theo đúng quy định.

Khu vực trung tâm xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh. Ảnh: Thanh Nhật

Chủ động tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới không thể không kể đến các hội viên phụ nữ. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Rơ Lan Hưm, Đak Tơ Ve có tỷ lệ phụ nữ chiếm 76,2% lực lượng lao động toàn xã. Thời gian qua, Hội đã vận động chị em phát huy vai trò trong sản xuất nông nghiệp, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động tiết kiệm trong chi tiêu để phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tại làng Om, Chi hội Phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình làm nhà tiêu hợp vệ sinh, 70% gia đình đào hố rác tự hoại trong vườn, di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà ở. Đồng thời, vận động hội viên tham gia mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn quả”, đóng góp ngày công làm đường bê tông, tham gia dọn vệ sinh đường làng, sửa chữa những đoạn đường bị hỏng, tuyên truyền hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Còn nói như chị Minh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Hde thì: “Chi hội Phụ nữ làng Hde có gần 60 hội viên, chủ yếu là người Bahnar, 100% theo đạo Công giáo. Những năm qua, chị em luôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Riêng cá nhân tôi luôn gương mẫu trong thực hiện mọi phong trào để chị em và dân làng tin tưởng, làm theo”.

Có thể bạn quan tâm