Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đảm bảo hậu cần cho những người lính pháo phòng không

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong tiết trời se lạnh chiều cuối năm, dọc 2 bên đường dẫn vào Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3), những bông hoa cà phê đã bung nụ tỏa hương thơm ngát, những gam màu tươi sáng từ cờ đỏ, băng rôn chào đón năm mới báo hiệu Xuân đã về.

Trung tá Trần Đình Chuẩn-Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn dẫn chúng tôi tham quan khu tăng gia sản xuất của đơn vị. Đi giữa màu xanh tươi mát của những luống bắp cải, su hào, những hàng đu đủ, giàn bầu, bí, đậu cô ve, su su trĩu quả, lòng cảm thấy thật nhẹ nhàng, thư thái. Trung tá Trần Đình Chuẩn cho biết: Vườn tăng gia tập trung của Lữ đoàn sát núi Hàm Rồng có độ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển.  Do ở độ cao nên gió ở đây thường mạnh hơn địa bàn xung quanh. Vào mùa khô, gió thổi mạnh mang theo bụi đỏ mịt mù. Cùng với đó, vị trí đơn vị đóng quân lại bậc thang, đất đai sỏi đá, bạc màu nên việc tăng gia sản xuất  của đơn vị gặp khó khăn.

 

Vườn rau tăng gia của Lữ đoàn 234. Ảnh: H.T
Vườn rau tăng gia của Lữ đoàn 234. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, trong khó khăn ấy, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để tăng gia sản xuất. Bộ phận nuôi quân đã lợi dụng triệt để địa thế che khuất của địa hình để quy hoạch vườn tăng gia; lựa chọn các loại cây có khả năng chịu được gió, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng; làm hàng rào, đan phên nứa, mua bạt che chắn xung quanh vườn, hệ thống nước tưới tự động… Để có được những khu đất vuông vắn, bằng phẳng như bây giờ, họ đã bỏ ra biết bao công sức để đào xới, xúc bỏ toàn bộ lớp đất sỏi đá phía trên đổ đi, chuyển đất màu từ xa về. Những khu vực đất đai cằn cỗi, mảnh đất trống xung quanh đơn vị, Lữ đoàn cho đổ cột bê tông làm giàn, trồng các loại bầu, bí xanh, mướp, su su, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho đơn vị, vừa tăng thêm nguồn rau xanh.

Sáng kiến làm phân xanh, phân vi sinh cũng được áp dụng. Phòng Hậu cần Lữ đoàn xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, bảo đảm mỗi mét vuông đất gieo trồng phải được phủ dày ít nhất 15 cm phân hữu cơ. Nguyên liệu làm phân vi sinh được tận dụng từ các loại phân gia súc, gia cầm trộn đều với rơm, cây đậu, phân xanh, vôi bột, toàn bộ hỗn hợp này được trộn lẫn, tưới men vi sinh, rồi đem nén chặt, dùng bùn trát kín, chỉ khoảng 30- 40 ngày sau là có thể thu được một lượng phân bón hữu cơ chất lượng tốt. Do thường xuyên nuôi gần 50 con bò, 250-300 con heo thịt, 3.000 gà, vịt, ngan nên đơn vị luôn có đủ lượng phân hữu cơ chất lượng tốt phục vụ tăng gia sản xuất.

Năm 2016, các bếp ăn của Lữ đoàn đã nhập gần 7 tấn rau quả các loại và  21.000 quả trứng gia cầm,  gần 1 tấn rau gia vị  làm phong phú thêm bữa ăn của bộ đội. Mô hình tăng gia sản xuất đã có đủ hệ thống “vườn, ao, chuồng, giàn, rừng”, cả tập trung và phân tán. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã thu hoạch hơn 80 tấn rau xanh, vượt chỉ tiêu trên giao.

Nếu như trước đây, đơn vị thường xuyên thiếu rau xanh thì giờ đây không chỉ tự túc được 100% nhu cầu mà còn có sản phẩm dư, hỗ trợ đơn vị bạn và bán ra thị trường. Kết quả tăng gia sản xuất rau xanh bình quân 15,5 kg/người/tháng, thu thịt xô lọc 6,2 kg/người/tháng, thịt gia cầm1,6 kg/người/tháng. Nhờ tăng gia, chăn nuôi hiệu quả, từ năm 2014 đến nay, sau khi trừ chi phí, Lữ đoàn tích lũy được 1,1 tỷ đồng.

Chúng tôi chia tay cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 234 khi hoàng hôn buông dần. Nhìn màu xanh ngút ngàn của rau xen lẫn với màu của những loài quả lòng tôi lại ấm lên. Bởi lẽ, Tết này trong bữa cơm của những người lính “canh trời” sẽ có thêm nhiều thịt, rau xanh. Và từ kết quả tăng gia này, họ sẽ có thêm sức khỏe để bảo vệ vững chắc vùng trời Tây Nguyên.

Hoàng Tuệ

Có thể bạn quan tâm