Thời sự - Sự kiện

Đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các dự án lớn, quan trọng và cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh vừa có Thông báo số 127/TB-HĐND về Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình ngày 6-6 đối với “Các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023”, trong đó, có nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc triển khai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công năm 2023.

Theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh: năm 2021, giá trị giải ngân kế hoạch vốn của tỉnh trên 3.000 tỷ đồng, đạt 85,05% kế hoạch vốn đã giao; năm 2022 là hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 75,66% kế hoạch vốn đã giao. Như vậy, so với yêu cầu đề ra, kết quả thực hiện dự án đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng hiệu quả công việc chưa cao, còn nhiều dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là các dự án triển khai trong năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do bất cập từ cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành chưa đồng bộ, thống nhất; thời tiết bất lợi; giá vật tư biến động... Song nguyên nhân chính vẫn thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành và việc phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ, còn làm việc cầm chừng, sợ sai dẫn đến nguy cơ bị cắt vốn, mất vốn (đối với nguồn vốn trung ương), nợ đọng vốn đầu tư công (đối với nguồn vốn địa phương) có thể xảy ra; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm; việc đề xuất chủ trương đầu tư chưa sát thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện; năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế.

Xây dựng dải phân cách tuyến đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Xây dựng dải phân cách tuyến đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công, bám sát vào các mục tiêu, yêu cầu khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải, kéo dài. Các dự án lớn, quan trọng, cấp thiết và các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư cần phải đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện; việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phải đi đôi với hiệu quả, chất lượng, không giải ngân vốn bằng mọi giá.

Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng chương trình, dự án, có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm hoặc chưa triển khai sang dự án đạt khối lượng, có nhu cầu bổ sung vốn để thi công. Cụ thể: đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai, đảm bảo khối lượng và tiến độ giải ngân, không để mất vốn hoặc cắt vốn; đối với các dự án sử dụng nguồn vốn địa phương (từ nguồn thu tiền sử dụng đất) phải đảm bảo đạt theo kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của các công trình còn vướng giải quyết nhu cầu đất đắp cho các công trình giao thông; khẩn trương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các địa phương; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá đất đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Pleiku;...

Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến chậm tiến độ triển khai (chậm giao vốn, chậm tiến độ, chậm giải ngân); thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; tiếp tục kiện toàn Tổ công tác của tỉnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Có thể bạn quan tâm