Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chủ động cân đối nguồn lực, giải ngân cho vay với mục tiêu xuyên suốt không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cho vay doanh số hơn 215 tỷ đồng với 4.541 lượt khách hàng. Doanh số thu nợ đạt hơn 169 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 6.974 tỷ đồng với 190.079 khách hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân đầu năm 2024 tập trung hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm. Ảnh: Sơn Ca. |
Bà Rơ Châm Ani (làng Jrăng, xã Ia Ka, huyện Chư Păh)-cho hay: “Nhờ vốn Ngân hàng chính sách mà gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống tốt hơn. Tôi đã vay thêm vốn ngân hàng phát triển chăn nuôi, hiện nay đàn bò đã có 12 con. Ngoài tạo được nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, tôi còn tận dụng nguồn phân bò vào việc chăm sóc cho vườn cà phê hơn 300 cây của gia đình...".
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh:Sơn Ca. |
Thông qua việc giải ngân kịp thời các nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách giải quyết các nhu cầu căn bản của đời sống, góp phần lan tỏa tích cực chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai)-chia sẻ: “Gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay vốn học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn phát triển sản xuất chăn nuôi với lãi suất ưu đãi. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà tôi có điều kiện nuôi 3 con học đại học, mở rộng chăn nuôi thỏ để tăng thu nhập”. Theo đó, mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình bà Nguyễn Thị Sáu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Đàn thỏ có khoảng 300 con, sau khi trừ hết chi phí thì trung bình mỗi tháng mang lại lợi nhuận từ 4 đến 5 triệu đồng.
Góp phần tích cực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận tay người dân, mạng lưới 3.370 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các tổ, thôn, làng đã phát huy sức mạnh của cộng đồng, của các hội đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng chính sách ngay tại cơ sở. Ông Ghi-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Jrăng (xã Ia Ka, huyện Chư Păh)-cho biết: “Tôi đã tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước để bà con nắm bắt cũng như vận động bà con mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Bây giờ bà con có nhu cầu đã mạnh dạn vay thêm vốn phát triển kinh tế gia đình, thực hiện trả lãi theo phân kỳ, gửi tiết kiệm tại Tổ”.
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh:Sơn Ca. |
Ghi nhận từ thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, giúp cho người dân, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn sử dụng nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp lồng ghép các chương trình khuyến nông với nguồn lực tín dụng chính sách hỗ trợ để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất hiệu quả hơn, góp phần ổn định đời sống".
Năm 2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Chi nhánh tỉnh phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt từ 7% trở lên. Trong tâm thế chủ động, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ chính trị ngay từ đầu năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Chi nhánh tỉnh quyết tâm nỗ lực để thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn trung ương phân bổ, nguồn vốn ủy thác địa phương nhằm tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.