Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai: Hướng về người nghèo, đối tượng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2023, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Đây cũng là năm đơn vị đạt mức tăng trưởng về nguồn vốn, tăng trưởng về tín dụng cao nhất.

Tăng trưởng tín dụng vượt trội, người dân được hưởng lợi

Theo đánh giá của ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2023 là năm có khối lượng công việc rất lớn, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất từ trước đến nay khi Chi nhánh vừa thực hiện các chương trình tín dụng theo kế hoạch, vừa thực hiện các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 6.940 tỷ đồng, tăng 953 tỷ đồng so với đầu năm.

Doanh số cho vay đạt 2.098 tỷ đồng với 48.489 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 1.144 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 6.929 tỷ đồng, tăng 952 tỷ đồng so với đầu năm với 155.395 khách hàng còn dư nợ.

Đối với các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, tổng nguồn vốn Trung ương giao thực hiện là 496,3 tỷ đồng; doanh số cho vay nhà ở xã hội đạt 163 tỷ đồng với 395 lượt hộ vay; doanh số cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 53,3 tỷ đồng với 1.225 lượt hộ vay; doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 280 tỷ đồng với 5.006 lao động vay vốn.

Song song với việc giải ngân tăng trưởng dư nợ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,24% tổng dư nợ. Tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98,3%, tỷ lệ thu lãi đạt 100% kế hoạch, 17 đơn vị phòng giao dịch có chất lượng tín dụng xếp loại tốt.

Thông qua các chỉ tiêu kế hoạch cho thấy, từ doanh số cho vay, doanh số thu nợ, tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng đều vượt trội so với mọi năm. Tỷ lệ thuận với kết quả này, số lượt khách hàng được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi cũng gia tăng, nhất là ở các chương trình cho vay thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP như cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một trong những khách hàng được hỗ trợ làm nhà ở từ chính sách tín dụng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là chị Ksor H’iam (thôn Mơ Nai Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện).

Trong niềm vui vừa xây xong căn nhà mới, chị Ksor H’iam cho hay: “Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi được bố mẹ cho miếng đất để cất nhà ra ở riêng. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê và canh tác 1,5 sào ruộng, 4 sào mì nên khi được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng, gia đình mừng lắm.

Từ nguồn vốn ngân hàng cho vay, gia đình đã góp thêm để xây nhà có diện tích 55 m2 trị giá 160 triệu đồng. Bây giờ, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để ổn định cuộc sống”.

Năm 2023, có 48.489 lượt khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ với doanh số cho vay đạt 2.098 tỷ đồng. Ảnh: S.C

Năm 2023, có 48.489 lượt khách hàng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ với doanh số cho vay đạt 2.098 tỷ đồng. Ảnh: S.C

952 tỷ đồng là con số tăng trưởng dư nợ ấn tượng của năm 2023. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ khi thành lập Ngân hàng CSXH tỉnh. Nguồn vốn dồi dào, tăng trưởng tín dụng vượt trội đã trợ giúp cho 7.030 lượt hộ nghèo, 1.504 lượt hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 5.736 hộ gia đình sinh sống ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho 11.780 lao động; hỗ trợ 1.225 hộ nghèo người DTTS xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất để ổn định cuộc sống...

Bà Kach (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho hay: “Nhờ có vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Năm rồi, tôi được chính quyền địa phương, tổ vay vốn quan tâm tạo điều kiện cho vay thêm 50 triệu đồng để chăm sóc 0,8 ha cà phê. Năm nay, cà phê được giá, thu hoạch xong bán đi, tôi sẽ để dành một phần chăm sóc vườn cà phê, phần còn lại trả bớt tiền vay ngân hàng”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 10,06% vào cuối năm 2022 xuống còn 8,11% vào cuối năm 2023.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: “Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cơ sở, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhận thấy chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động tăng trưởng dư nợ rất tích cực.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo được triển khai đúng đối tượng, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ đồng bào DTTS xây nhà ở ổn định cuộc sống.

Năm 2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, đề nghị các địa phương phối hợp Ngân hàng CSXH quan tâm hỗ trợ các hộ đã thoát nghèo tiếp tục được vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định để tránh tình trạng tái nghèo”.

Huy động mọi nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách

Năm 2023, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Trong năm, 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tính đến cuối năm 2023, nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 381,5 tỷ đồng, tăng 48,4 tỷ đồng so với đầu năm. Ông Hoàng Minh Tế-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam-đánh giá: “Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội của Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH.

Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát nghị quyết của Hội đồng Quản trị, sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; tổ chức triển khai các nhiệm vụ kế hoạch được giao đạt kết quả cao, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách năm 2023. Ảnh: S.C

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách năm 2023. Ảnh: S.C

Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, định hướng và kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Trung ương, năm 2024, Ngân hàng CSXH tỉnh đề ra mục tiêu nguồn vốn ngân sách địa phương tăng 80 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tăng 100 tỷ đồng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt từ 7% trở lên, hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được Tổng Giám đốc giao.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế và dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn, Chi nhánh đã đề ra các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đề ra. Với tinh thần sẵn sàng, chủ động thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ngay từ những ngày đầu năm mới, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Trên tinh thần huy động mọi nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai các chương trình tín dụng đạt kết quả gắn với các nhiệm vụ, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chi nhánh tiếp tục tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ủy thác địa phương, tập trung cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn vốn trung ương, tăng cường huy động các nguồn vốn tại địa phương.

Trên tinh thần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, đề nghị các địa phương quan tâm bố trí chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH theo kế hoạch được giao. Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn vốn tín dụng để phát huy hiệu quả, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm