(GLO)- Những tháng cuối năm vẫn được coi là mùa cưới. Người người, nhà nhà “chạy show” bởi gần như tuần nào cũng nhận được thiệp mời, thậm chí có ngày dự 3 đám tiệc.
Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có cả việc cưới hỏi. Suốt mấy tháng nay, gia đình tôi tính toán, dự lường cho đám cưới của em gái. Hàng ngày, chúng tôi cập nhật thông tin về dịch Covid-19 ở địa phương, theo dõi sát sao các chỉ đạo, quy định về số lượng người được tập trung để có phương án tổ chức phù hợp. Xác định dịch sẽ kéo dài, khó lòng được tổ chức như trước đây, cả nhà bàn nhau thực hiện trong quy mô gia đình, bỏ qua việc mời khách, đặt tiệc ở nhà hàng. Mọi nghi lễ trong cưới xin đều được rút gọn.
Trước ngày đính hôn nửa tháng, khu vực nhà trai bị phong tỏa tạm thời để truy vết, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Sau đó 10 ngày, khu vực nhà của ba mẹ tôi cũng bị giăng dây khi xuất hiện các trường hợp mắc Covid-19. Ở quê nhà Bình Định, dịch cũng quay trở lại hoành hành nên ông bà và họ hàng không thể lên Gia Lai dự lễ như đã định. Mọi kế hoạch bỗng chốc gần như đổ bể chỉ vì Covid-19. Ba mẹ tôi đứng ngồi không yên vì lo lỡ ngày vui của con gái. Lúc này, cả gia đình đã bàn tới chuyện, nếu không được gỡ phong tỏa, lễ đính hôn và lễ cưới đành chỉ làm chung một ngày. May mắn, sau khi xét nghiệm tầm soát, khu vực nhà ba mẹ tôi tạm an toàn. Sau khi xin ý kiến của chính quyền địa phương thì được cho phép tổ chức theo quy định, hai bên gia đình như cất đi gánh nặng.
Bỏ qua những sự phiền phức mà Covid-19 đem lại, cá nhân tôi cho rằng, đám cưới mùa dịch có những điều thú vị riêng. Tôi vẫn thường gọi đùa đám cưới của em gái là “3 không”: không mời khách, không nhà hàng, không du lịch tuần trăng mật. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đám cưới đều được tối giản hết mức có thể, nhất là khâu khách mời. Thay vào những đám tiệc linh đình có từ vài trăm đến cả ngàn khách mời như trước, giờ chỉ gói gọn từ 50 người trở xuống, có thời điểm giới hạn chỉ 20 người.
Vì vậy, dự lễ đều là người thân, họ hàng hai bên nội ngoại và một vài người bạn thân thiết. Ba mẹ tôi cũng không cần phải vất vả lên danh sách và ngược xuôi để đi đưa thiệp mời cho hàng trăm người như trước, càng không phải đắn đo chuyện mời người này mà không mời người kia. Cỗ bàn cũng vì thế mà giảm theo, bớt một khoản chi phí. Sẽ không còn các bữa tiệc cưới có khung chương trình y hệt nhau, cô dâu chú rể mời rượu ba mẹ hai bên, cắt bánh gato trong khi hàng trăm khách mời đang bận rộn với món khai vị. Cũng không còn hình thức ba mẹ và cô dâu, chú rể bưng ly rượu đi đến tất cả các bàn để cảm ơn và chụp ảnh. Vì Covid-19, những hình thức trong nghi lễ cưới hỏi vốn đã được định khung bị phá vỡ, giải phóng. Tôi bỗng hình dung đến đám cưới phương Tây, vốn chỉ gói gọn trong gia đình và người thân, một không gian cưới ấm cúng, gần gũi với những lời chúc phúc từ những người yêu thương nhất. Giản dị song vẫn trọn vẹn ý nghĩa.
Em gái tôi vẫn may mắn khi được tổ chức đám cưới trong thời điểm này. Vì trước đó, đã có nhiều đám cưới “trực tuyến”, cô dâu và chú rể mỗi người mỗi nơi; thậm chí có nhiều gia đình phải tạm hoãn hoặc dời ngày do dịch diễn biến phức tạp dù ngày định cưới đã cận kề. Vì vậy, thay đổi để thích nghi với dịch Covid-19, trong đó có việc cưới là điều cần thiết, thể hiện cách hành xử văn minh, phù hợp với lối sống hiện đại.
PHƯƠNG VI