Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đàn đá Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đàn đá là một nhạc cụ cổ xưa nhất ở vùng đất Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và là “sợi dây” kết nối giữa con người với thế giới tâm linh, giữa hiện tại với quá khứ. Ngày nay, đàn đá vẫn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 
Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.
Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.



1. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đàn đá xuất hiện cách đây trên 3.000 năm. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Thanh âm của đàn đá được GS.TS Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Khi diễn tấu, ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Âm thanh của đàn đá vừa sống động, vừa vui nhộn và trầm lắng, cả nhịp nhàng lẫn du dương khó tả...

Nhiều tài liệu cho biết, năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg. Phát hiện này được báo cho Georges Condominas- một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tháng 6/1950, giáo sư Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 - bộ mới) số 97-98 tháng 7/1951, khẳng định về loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak, “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Bảo tàng Con người Paris, Pháp.

Đến năm 1956, bộ đàn đá thứ hai được phát hiện và một đại úy Mỹ mang về trưng bày ở New York (Mỹ). Năm 1980, Georges Condominas lại phát hiện bộ đàn đá thứ ba có 6 thanh tại buôn Bù Đơ thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bộ đàn do dòng họ Ksiêng (người Mạ) lưu giữ qua 7 đời.

Từ những năm 1979 vấn đề nghiên cứu, sưu tầm về đàn đá được giới khoa học Việt Nam khơi dậy và cho đến những năm đầu thập niên 1990, người ta tìm được khoảng 200 thanh đàn đá rải rác ở Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé và Phú Yên...; mỗi bộ đàn này có từ 3 đến 15 thanh. Nổi tiếng trong đó là các bộ đàn đá Khánh Sơn, đàn đá Bắc Ái, đàn đá Tuy An, đàn đá Bình Đa (gọi theo địa danh phát hiện). Căn cứ vào loại đàn đá tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết những thanh đá để làm đàn này có tuổi đời khoảng 3.000 năm.

2. Bước sang thế kỷ 21, người dân còn phát hiện thêm một số đàn đá nữa. Đáng chú ý, tháng 6/2003 ông K’Branh (dân tộc Cơ Hơ) ở buôn Bờ Nơm, Lâm Đồng phát hiện bộ đàn đá 20 thanh. 2 thanh dài nhất rộng bản 22 cm và dài 151 cm và 127 cm. Thanh ngắn nhất rộng bản khoảng 10 cm, chiều dài 43 cm. Đây là bộ đàn đá cổ nhiều thanh nhất từng được phát hiện.

Tới tháng 7/2006 một bộ đàn đá được phát hiện ở Bình Thuận, gồm 8 thanh trong đó thanh dài nhất là 95 cm rộng 17 cm và nặng 12,5 kg; các thanh khác có chiều dài thấp dần đến thanh cuối cùng là 52,5 cm nặng 4,5 kg. Giới khảo cổ học xôn xao vì khu vực phát hiện bộ đàn đá này nằm gần biển, tại vùng ảnh hưởng đậm của văn hóa Sa Huỳnh, trong khi từ trước tới nay tất cả các bộ đàn đá được phát hiện đều tại các vùng rừng, núi cao.

Ngày nay, đàn đá vẫn được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, hội hè của đồng bào. Tiếng đàn đá tạo cho các nghi thức tế lễ thêm linh thiêng. Tiếng đàn đá phối tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những tiết tấu sôi động cho các động tác nhảy múa trong các lễ hội. Trong âm thanh vang vọng của đàn đá, cả buôn làng cùng hòa mình vào những điệu múa tập thể, các nghi thức lễ hội như: Lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới, cúng tạ ơn thần linh…

Đặc biệt, năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa. Được biết, đàn đá Lộc Hòa do ông Bùi Hữu Triều ở ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phát hiện vào năm 1996, trong khi canh tác ở vườn nhà.

Và mới nhất, ngày 30/7/2019, tại Bon Đắk R’Moan (xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh Đắk Nông đã khánh thành nhà trưng bày đàn đá nằm trong những điểm du lịch Công viên địa chất tỉnh Đắk Nông.

Nhà trưng bày đán đá tại tỉnh Đắk Nông trưng bày 57 loại cụ của các dân tộc trên thế giới, các loại đàn đá của người đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Với việc khánh thành nhà trưng bày đàn đá này, du khách trong và ngời nước có thể tìm hiểu về đàn đá Tây Nguyên nói chung, đàn đá của bà con trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng. Qua đó sẽ hiểu hơn về những giá trị của một di sản văn hóa cha ông để lại.  

Phương Minh (daidoanket)

Có thể bạn quan tâm