Bạn đọc

Dân kêu trời vì ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở khu vực xung quanh Nhà máy Đường Ayun Pa đã phải “sống chung” với ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm và mùi hôi thối thải ra từ nhà máy. Đặc biệt ở mùa vụ 2014-2015, khi Nhà máy nâng công suất lên thì tình trạng ô nhiễm càng trở nên tồi tệ hơn.

Dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối nơi Nhà máy xả nước thải ra môi trường. Ảnh: Văn Ngọc
Dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối nơi Nhà máy xả nước thải ra môi trường.
Ảnh: Văn Ngọc

Để tiêu thụ hết nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã thực hiện nâng công suất nhà máy từ 3.200 tấn lên 6.000 tấn mía cây/ngày. Và cũng từ khi công suất được đẩy lên gần gấp đôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên trầm trọng.

Ông Võ Văn Thịnh-Bí thư chi bộ tổ dân phố 1, phường Cheo Reo cho biết: “Từ khi nhà máy nâng công suất thì xuất hiện nhiều loại máy móc gây tiếng ồn cứ ầm ầm suốt ngày đêm. Mỗi đợt ồn như vậy kéo dài 15-30 ngày khiến hàng trăm hộ dân ở các tổ dân phố 1, tổ 4, tổ 2, buôn Đê và buôn Banh (phường Cheo Reo) chịu ảnh hưởng, cả đêm không ngủ được”. Nói rồi, ông Thịnh dẫn chúng tôi ra cống xả nước thải của nhà máy. Tại đây, dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối nồng nặc sặc lên mũi gây cảm giác buồn nôn. Theo ông Thịnh, đây là chỗ nhà máy xả thải ra môi trường, dòng nước này sẽ chảy vào suối Ia Hao sau đó hòa vào dòng sông Ayun trước khi đổ ra sông Ba. Ngày trước, người dân quanh vùng đều dùng nước ở suối Ia Hao để tắm rửa, sinh hoạt, nhưng từ khi dòng suối bị “bức tử” thì không hộ dân nào dám bén mảng đến nữa.

 

 Bãi tập kết bã mía. Ảnh: Văn Ngọc
Bãi tập kết bã mía. Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ ô nhiễm về tiếng ồn và nguồn nước, mùi hôi thối cũng chính là một trong những “kẻ thù” của người dân không chỉ tại phường Cheo Reo. Vào mỗi buổi chiều, khi có cơn gió, người dân tại khu vực trung tâm thị xã cách nhà máy 3-4 km cũng chịu chung nỗi khổ này. Được biết, mùi hôi thối này phát ra từ hai nguồn: từ khu vực sản xuất phân vi sinh của nhà máy và khu vực xử lý nước thải ở bể nước đầu tiên, tức bể điều hòa. Nhưng “kẻ thù” lớn nhất với người dân chính là bụi. Ông Trần Lương Hậu-tổ dân phố 1 nói: “Mỗi ngày nắng, bụi mù mịt dày đặc bao phủ một vùng bán kính 2 km. Thành ra mọi nhà đều đóng cửa kín mít cả ngày cả đêm thế mà vẫn không tránh được bụi, ở nhà mà ai nấy cứ phải đeo khẩu trang. Mỗi buổi sáng mở cửa ra quét nhà là được cả một vốc tay bụi. Từ khi có bụi, bao nhiêu người dân bị mắc bệnh viêm hô hấp rồi đấy”.
 

 Người dân đi trên quốc lộ 25 phải chịu cảnh bụi mù mịt. Ảnh: Văn Ngọc
Người dân đi trên quốc lộ 25 phải chịu cảnh bụi mù mịt. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với Báo Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Tâm-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho biết: “Nghe thông tin người dân phản ánh, ngày 19-5, Phòng đã kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND xã đến nhà máy để kiểm tra. Qua quan sát thì thấy quy trình xử lý nước thải đạt yêu cầu nhưng Sở cũng đã lấy mẫu để phân tích. Việc nhà máy xả mùi hôi thối, bụi và tiếng ồn cũng đang chờ Sở lên kế hoạch quan trắc đo đạc các thông số xem có nằm trong lượng cho phép không thì mới có hướng xử lý cụ thể. Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị nhà máy xây dựng lưới chắn, trồng cây xanh, duy trì hệ thống xử lý nước thải đồng thời phải ép, phủ bạt và tưới ẩm với bãi tập kết bã mía để tránh bụi”.
 

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm