Du lịch

Hành trang lữ hành

Dân làng Mơ Hra làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, tại nhà rông làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai), không khí thật rộn ràng, tất bật. Người dân chia thành từng nhóm, chỗ thì dệt vải, học may làm ra các sản phẩm thổ cẩm, nơi thì học nấu món ăn truyền thống của người Bahnar, nhóm khác lại chăm chỉ luyện tập văn nghệ, đánh cồng chiêng, học kỹ năng đón tiếp khách… Tất cả cùng chung một mục đích là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.
Người dân tham gia làm du lịch
Theo chân công chức văn hóa xã, chúng tôi đến làng Mơ Hra tìm hiểu về việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng do Hội đồng Anh tài trợ. Trong nhà rông, cạnh chiếc máy khâu đang chạy lạch xạch, chị Đinh Thị Thơm chăm chú, tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ ở công đoạn cuối cùng để hoàn thành chiếc ví cầm tay. Chị Thơm cho biết, tham gia học cắt, may theo mẫu hướng dẫn, chị được các thành viên của dự án “Di sản kết nối” cầm tay chỉ việc để tạo ra các sản phẩm lưu niệm như: ví cầm tay, hộp bút, túi xách, bao đựng điện thoại, móc khóa hình thú bằng thổ cẩm. “Tôi học và thực hành vẽ, cắt theo các sản phẩm mẫu, tập làm quen với máy khâu hơn 2 ngày nay. Ngày đầu tiên, tôi chỉ làm được một chiếc ví cầm tay, nhưng giờ có thể làm 5-6 cái và còn vẽ mẫu, cắt may các sản phẩm khác theo ý tưởng của mình”-chị Thơm chia sẻ.
Già làng Đinh Hmưnh hướng dẫn đội cồng chiêng nhí của làng tập luyện chuẩn bị phục vụ khách du lịch. Ảnh: M.N
Cạnh đó, chị Đinh Thị Niu cũng cặm cụi ngồi đo vẽ trên miếng vải mẫu, cắt tạo hình chiếc túi xách. Gần 3 ngày nay, những lúc không đi rẫy, chị giao con nhỏ mới 2 tuổi cho chồng trông để qua nhà rông tham gia lớp học may này. Tuy chỉ mới tiếp cận nhưng chị được đánh giá có năng khiếu, học hỏi nhanh và sử dụng máy khâu khá thành thạo.
Bên ngoài nhà rông, để chuẩn bị cho các hoạt động biểu diễn, phục vụ khách du lịch đến tham quan, già làng Đinh Hmưnh tranh thủ hướng dẫn đội cồng chiêng “nhí” tập luyện. Em Đinh Văn Vưng cho biết: “Già Hmưnh luôn động viên, nhắc nhở chúng em tập và truyền dạy tận tình nên các bạn tiến bộ nhanh. Trong làng đã có thêm nhiều bạn thích học đánh cồng chiêng rồi”. Già Hmưnh cho hay, nhiều tháng nay, cứ đều đặn từ 7 giờ đến 9 giờ tối, ông tập trung 3 đội cồng chiêng của làng luân phiên tập luyện các bài chiêng như: lễ đâm trâu, mừng lúa mới, đóng cửa kho, bỏ mả…
Cơ hội phát triển kinh tế tại làng

Tháng 3-2019, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt tiếp nhận dự án “Di sản kết nối (giai đoạn 1)” do Hội đồng Anh tài trợ. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam làm chủ dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản nhằm bảo tồn, quảng bá giá trị di sản cũng như tạo cơ hội phát triển kinh tế tại làng Mơ Hra; nâng cao năng lực tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương để quảng bá, phát triển du lịch. Đến thời điểm này, dự án đã tổ chức sưu tầm được hơn 60 hiện vật về đời sống âm nhạc và vật dụng sinh hoạt của đồng bào Bahnar, trưng bày tại Bảo tàng cộng đồng (nhà rông làng Mơ Hra); giúp cho giới trẻ nhận thức được giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên và biến nó thành sinh kế, góp phần vào sự phát triển của đời sống cộng đồng Bahnar.

Theo chị Trần Thị Thu Hương-Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh (Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam-đơn vị chủ đầu tư dự án), dưới sự hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của các thành viên dự án, chị em trong làng Mơ Hra tham gia nhóm thổ cẩm đã biết may các sản phẩm theo mẫu, số khác còn tạo được những sản phẩm hoàn chỉnh. “Đây chỉ là một trong những hoạt động đầu tiên của hợp phần “Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng Mơ Hra” của dự án “Di sản kết nối”. Bà con ở đây rất hồ hởi đón nhận, nhiệt tình tham gia các hoạt động lập kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng và đào tạo sản xuất các sản phẩm thổ cẩm theo thiết kế mới”-chị Hương cho hay.
Ngoài đào tạo cắt may, các thành viên thực hiện dự án còn tích cực hướng dẫn bà con tham gia nhóm ẩm thực phát triển một số món ăn truyền thống với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: cơm lam, gà nướng, cá nướng, đọt mây nướng, dương xỉ nấu ốc đá; hướng dẫn nhóm mây tre đan làm các sản phẩm truyền thống: gùi, rổ, nỏ, giỏ bắt cá bằng nguyên liệu khai thác trong tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức khóa đào tạo kỹ năng cho nhóm đón tiếp khách; trau dồi kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, món ăn truyền thống của người Bahnar... 
Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-nhận định: Mô hình du lịch cộng đồng mà dự án triển khai đã mở ra cơ hội cho người dân làng Mơ Hra phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, mô hình này còn khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm