Từ cuối năm 2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Lập tức, giá sầu riêng tăng cao, thị trường tiêu thụ rất tốt - dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành nông nghiệp, cho nông dân Việt Nam, đặc biệt là vùng nông sản các tỉnh Tây Nguyên. Tuy vậy, ngay cả thị trường "dễ tính" là Trung Quốc, thì hàng nông sản nhập khẩu đường chính ngạch cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, để có thể đi vào quy trình bảo quản, chế biến, sản xuất công nghiệp...
Vì vậy, hồ hởi đón nhận một thị trường mới, có sức tiêu thụ hấp dẫn, được giá, nhưng người nông dân cần phải hết sức tỉnh táo trước khi bước vào "sân chơi" quốc tế này.
Hiện tượng ồ ạt đốn hạ, phá hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, điều... để chuyển đổi sang trồng sầu riêng là rất đáng lo ngại. Cảnh báo nguy cơ phá vỡ quy hoạch về diện tích trồng, về sản lượng và dễ làm mất cân đối cung cầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" do Bộ NN&PTNT thực hiện, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 chỉ ở mức 75.000ha. Nhưng hiện nay diện tích sầu riêng của cả nước đã lên đến 110.000ha.
Riêng Đắk Lắk đã có hơn 20.000ha sầu riêng và là một trong số những địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích cho thu hoạch mới đạt khoảng 40%, với sản lượng hàng năm lên tới 150.000 tấn. Dự kiến đạt 300.000 tấn vào năm 2030. Vì vậy, cả sản lượng và diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk đều vượt quy hoạch chung của ngành nông nghiệp tỉnh.
Mặt khác, nếu phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch về diện tích trồng, làm mất cân đối cung cầu, mà không chú trọng đến quy trình kỹ thuật, giống cây trồng... sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Rớt giá, thậm chí bị thị trường từ chối, thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.
Chưa kể, ngoài Việt Nam, sầu riêng vào thị trường Trung Quốc hiện nay còn có các vùng nông sản cạnh tranh khốc liệt là Thái Lan, Philippines...
Bài học rớt giá, nông dân ồ ạt chặt phá vùng trồng từng xảy ra khắp nơi, cay đắng. Và thời sự nhất là giá chanh dây đang rớt thê thảm, làm cho nông dân điêu đứng.
Hiện Gia Lai có vùng nguyên liệu chanh dây trên 5.000ha, phân bổ rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố. Có 3 nhà máy chế biến lớn, tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số. Nhưng hiện chanh dây đột ngột rớt giá từ trên 10.000 đồng/kg, xuống chỉ có 4.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân rớt giá do tỉ lệ đạt chanh loại 1 khá ít.
Nông sản được cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code - viết tắc PUC) thì nông dân không chỉ sản xuất theo quy trình an toàn, mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... thậm chí cách tưới tiêu, ghi sổ nhật trình. Có như vậy, nông sản mới vừa an toàn, vừa đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng mà nhà nhập khẩu yêu cầu.
Rất ít chanh dây đạt loại 1 hiện nay để xuất khẩu, nên mất giá là một bài học cho các loại nông sản khác. Vì vậy, thực trạng phát triển nóng diện tích trồng sầu riêng hiện nay coi chừng sẽ thu hoạch... nước mắt.