Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng bộ xã Ia Tôr phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ xã Ia Tôr là đơn vị cấp xã duy nhất được Huyện ủy Chư Prông công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để có được thành tích này, Đảng bộ xã đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quang Phương-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Tôr-cho biết: Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới để tạo sự chuyển biến toàn diện trên mọi mặt.

Xã Ia Tôr hiện có 1.198 hộ với 5.079 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Do đời sống người dân còn khó khăn nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia những tiêu chí không cần sự đầu tư của Nhà nước; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế như: phối hợp tập huấn để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như: chăn nuôi dê, bò, heo; trồng cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày; vận động người dân làm công nhân cho các công ty trên địa bàn.

“Với các giải pháp trên, đến cuối năm 2023, xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã giảm còn dưới 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên. Công tác bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thông tin.

Người dân làng Nẻh Xo đã tích cực gìn giữ vệ sinh nơi mình sinh sống được sạch sẽ. Ảnh: N.H

Người dân làng Nẻh Xo đã tích cực gìn giữ vệ sinh nơi mình sinh sống được sạch sẽ. Ảnh: N.H

Đưa chúng tôi tham quan một số tuyến đường vừa được bê tông hóa từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và đóng góp của người dân, ông Trần Văn Lạnh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết-cho hay: Chi bộ hiện có 11 đảng viên. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đóng góp để thực hiện các tiêu chí. Qua đó, người dân đã tích cực tham gia các phần việc như dọn vệ sinh môi trường, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình hạ tầng. Từ năm 2022 đến nay, người dân đã đóng góp gần 250 triệu đồng và hiến 2.000 m2 đất để mở rộng các tuyến đường. Đến nay, 100% đường nội thôn đã được bê tông hóa sạch đẹp.

Đặc biệt, người dân thôn Đoàn Kết đã nỗ lực phát triển kinh tế. Toàn thôn có 116 ha cây trồng các loại, chủ yếu cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chanh dây cùng hơn 1.630 con gia súc, gia cầm. Đến nay, thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 3 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm; 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn. Bà Mai Thị Lan vui vẻ cho biết: “Từ công tác tuyên truyền, chúng tôi hiểu được mình là chủ thể và là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới nên đã tích cực tham gia. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, chúng tôi tích cực tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng và cải tạo cảnh quan môi trường. Mới đây, người dân trong thôn cũng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và hiến đất để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường nội thôn dài hơn 1,8 km”.

Tương tự, cuối năm 2023, làng Nẻh Xo đã đạt chuẩn làng nông thôn mới. Bà Kpuih Hạnh-Bí thư Chi bộ làng Nẻh Xo-cho hay: Làng hiện có 143 hộ với 624 khẩu. Trước đây, đời sống người dân còn khó khăn. Bà con cũng chưa nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, Chi bộ có chủ trương chia các hộ dân trong làng thành 10 tổ, mỗi tổ 15-16 hộ để tiện cho việc tuyên truyền, vận động. Trên cơ sở đó, Chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách 3-4 hộ với nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân hiểu và đã tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực. Nổi bật là bà con đã tham gia trồng con đường hoa, hàng rào xanh, vườn rau xanh để cải tạo cảnh quan môi trường. Kết quả, làng đã xây dựng được mô hình con đường hoa dài khoảng 460 m, hàng rào xanh dài hơn 1 km. Bên cạnh đó, người dân đóng góp 17,5 triệu đồng làm hội trường; hiến 2.000 m2 đất và ngày công làm đường giao thông. Đặc biệt, người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nên đời sống được cải thiện. Hiện nay, làng chỉ còn 6 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, nhiều hộ có thu nhập khá”-bà Hạnh chia sẻ.

Đến nay, 100% đường nội thôn của thôn Đoàn Kết (xã Ia Tôr) đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: N.H

Đến nay, 100% đường nội thôn của thôn Đoàn Kết (xã Ia Tôr) đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: N.H

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Tôr cho biết thêm: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Đảng bộ xã sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ xã đến thôn, làng trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, sẽ tập trung giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Có thể bạn quan tâm