Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đánh giá cấp cơ sở đề tài "Lịch sử lực lượng biệt động Quân khu 5 trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1954)"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 27-11, tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức Hội nghị đánh giá cấp cơ sở đề tài “Lịch sử lực lượng biệt động Quân khu 5 trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1954)”, do Trung tướng Trần Quang Phương-Chính ủy Quân khu 5 làm Chủ nhiệm.
 

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Diệp
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Ngọc Diệp

Về dự Hội nghị có Đại tá Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Anh-Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại tá Tiến sĩ Vũ Văn Nghiệp-Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công; các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Học viện Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công; các nhân chứng lịch sử: 3 Anh hùng LLVTND Phạm Kiều Đa, Nguyễn Thị Tám, Trần Ngọc Trung và đồng chí Đinh Văn Lời, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Năm 2014, Quân khu 5 được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề tài nhánh cấp Bộ Quốc phòng. Trong 2 năm 2014-2015 triển khai thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã tổ chức tọa đàm với các nhân chứng lịch sử tại Đà Nẵng, Hội An, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, phát hành bản thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của 34 cơ quan, đơn vị, nhân chứng lịch sử, chuyên gia… Đề tài đã tập trung nghiên cứu về sự ra đời, quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức hoạt động, vai trò và những đóng góp của lực lượng Biệt động các địa phương trên địa bàn Quân khu 5 trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Khu ủy, Quân khu ủy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy trên địa bàn Quân khu. Qua đó, đúc kết một số kinh nghiệm lịch sử vận dụng vào công cuộc xây dựng LLVTND, tăng cường QP-AN trong tình hình mới.

Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu; các Ủy viên phản biện nhận xét, nêu câu hỏi; các thành viên Hội đồng khoa học cấp cơ sở và khách mời phát biểu ý kiến; Chủ nhiệm đề tài giải trình; Hội nghị kết luận: Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn. Lần đầu tiên đề tài đã cập nhật một cách toàn diện và có hệ thống về tổ chức và quá trình hoạt động của lực lượng biệt động Quân khu 5 trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1954). Nhóm tác giả đã sưa tầm, sử dụng nhiều nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, phản ánh khách quan, trung thực lịch sử. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho thế hệ hôm nay và mai sau; phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện và xây dựng lực lượng Đặc công-Biệt động trong tình hình mới, vận dụng trong xây dựng thế trận QPTD ở khu vực thành thị và ven thành thị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị cũng nêu lên một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và khẳng định: Đề tài đủ điều kiện nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng.

Ngọc Diệp

Có thể bạn quan tâm