Thông qua 5 tiêu chuẩn giáo viên tự đánh giá phẩm chất, năng lực và có kế hoạch phát triển bản thân, là căn cứ để cơ sở giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng lực với từng đối tượng giáo viên.
Để đánh giá chuẩn giáo viên, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các minh chứng cụ thể. Dưới đây là một số ví dụ về minh chứng đánh giá giáo viên theo quy định mới nhất.
5 tiêu chuẩn nghề nghiệp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 20 năm 2018, chuẩn nghề nghiệp giáo viên là hệ thống phẩm chất, năng lực mà giáo viên cần đạt để thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh. Theo đó, chuẩn nghề nghiệp giáo viên được quy định theo 5 tiêu chuẩn:
- Phẩm chất nhà giáo: Tiêu chuẩn về phẩm chất nhà giáo được thể hiện thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, có ý thức tự rèn luyện tạo phong cách nhà giáo mẫu mực, là tấm gương tốt hỗ trợ đồng nghiệp hình thành phong cách nhà giáo;
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là hệ thống phẩm chất, năng lực mà giáo viên cần đạt để thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh |
- Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chuyên môn, thành thạo nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thông qua việc phát triển chuyên môn, xây dựng kế hoạch dạy học để phát triển năng lực của học sinh…
- Xây dựng môi trường giáo dục: Giáo viên thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, dân chủ, phòng chống bạo lực học đường, thực hiện đầy đủ nội quy, quy tắc ứng xử của nhà trường…
- Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác, tin tưởng với cha mẹ của học sinh đồng thời giải quyết kịp thời các thông tin phản hồi từ các bên để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…
- Sử dụng ngoại ngữ, tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục: Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn này một cách thuần thục và ứng dụng nhuần nhuyễn vào việc dạy học, đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm…
Đây là 5 tiêu chuẩn dùng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên. Thông qua đó, giáo viên tự đánh giá phẩm chất, năng lực và có kế hoạch phát triển bản thân. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để cơ sở giáo dục có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng lực với từng đối tượng giáo viên cụ thể.
Minh chứng đánh giá giáo viên
Minh chứng là các bằng chứng như tài liệu, tư liệu, sự việc, hiện tượng hoặc nhân chứng được dẫn ra để xác định một cách khách quan mức độ đạt được của các tiêu chí đánh giá chuẩn giáo viên. Theo đó, tại Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD, có thể kể đến một số minh chứng cụ thể như:
- Bản đánh giá và phân loại giáo viên;
- Kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra;
Tùy vào từng mức độ đánh giá chuẩn giáo viên khác nhau gắn với mỗi tiêu chuẩn để áp dụng mức độ đánh giá khác nhau của các loại minh chứng |
- Biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận về việc giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm...
- Bản kiểm điểm cá nhân có xác nhận của chi bộ nhà trường/bản nhận xét Đảng viên hai chiều có xác nhận của chi bộ nơi cư trú ghi nhận giáo viên có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt (nếu là Đảng viên)…
- Biên bản họp cha mẹ học sinh ghi nhận giáo viên nghiêm túc, đối xử đúng mực đối với học sinh;
- Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo đối với từng cấp học theo quy định; Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định;
- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ trong năm học…
Trong đó, tùy vào từng mức độ đánh giá chuẩn giáo viên khác nhau gắn với mỗi tiêu chuẩn để áp dụng mức độ đánh giá khác nhau của các loại minh chứng nêu trên.
Theo LuatVietnam
(Dẫn nguồn NLĐO)