Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đánh giá lại giá trị gốm cổ Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV)” diễn ra tại Bình Định tới đây thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu đồ cổ, học giả đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiện vật gốm cổ Bình Định còn nguyên vẹn được trục vớt từ con tàu chở gốm cổ bị đắm tại cảng Thị Nại (Bình Định)
Hiện vật gốm cổ Bình Định còn nguyên vẹn được trục vớt từ con tàu chở gốm cổ bị đắm tại cảng Thị Nại (Bình Định)



Trong 2 ngày 27, 28-10, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ trì cùng phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV)”.

Hội thảo quốc tế gốm cổ lần này sẽ có sự tham gia của nhóm học giả quốc tế về đồ cổ, như: PGS.TS Mariko Yamagata, giảng viên Đại học Khoa học Okayama (Nhật Bản); PGS.TS Jose Eleazar R.Bersales, giảng viên Đại học San Carlos (Philippines); PGS.TS Sakai Takashi, Viện Sau đại học về Lịch sử Nghệ thuật, Đại học Đài Loan (Đài Loan, Trung Quốc); TS Yokkaichi Yasuhiro, giảng viên Đại học Nghệ thuật Okinawa (Nhật Bản); TS Besatrice Wisniewski, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Pháp)...

Các học giả sẽ cùng tham gia hội thảo và trình bày những công trình nghiên cứu từ trước đến nay của mình.

Ngoài ra, còn hàng chục đại biểu quốc tế đến từ Hội Nghiên cứu gốm sứ Đông Nam Á (Singapore), là chuyên gia nghiên cứu gốm sứ cổ, những chuyên nghiên cứu nghệ thuật cổ Đông Nam Á, chuyên gia khảo cổ học được Ban tổ chức mời đến cùng tham gia hội thảo.

Tại hội thảo lần này các chuyên gia, học giả quốc tế sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ các vấn đề: Loại hình, đặc trưng, niên đại, vai trò của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Champa và Đại Việt trong lịch sử; lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở tỉnh Bình Định, chủ nhân của các lò gốm này; Vai trò, vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Cùng với đó, các chuyên gia, học giả quốc tế sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ của vương quốc Vijaya với kinh đô Thăng Long - Đại Việt và với các vương quốc ở Đông Nam Á, Châu Á trong lịch sử;…

* Phát hiện nhiều hiện vật Champa cổ quý hiếm tại gò Cây Me

Ngày 23-10, PGS. TS Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 20 ngày khai quật, đơn vị khai quật đã tìm thấy nhiều đồ gốm cổ Champa quý giá, cùng với hơn 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm tại di chỉ gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, Bình Định).


 

Hiện vật gốm cổ Champa quý giá được phát hiện tại gò Cây Me
Hiện vật gốm cổ Champa quý giá được phát hiện tại gò Cây Me



Trước đó, được sự cấp phép của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đầu tháng 10-2017 Bảo tàng Bình Định phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh thành đã tiến hành khai quật 4 hố với diện tích 400m² tại gò Cây Me.

Qua khai quật, phát hiện 3 hố có lò nung khoảng vào thế kỷ XV; trong đó, có 2 lò tường cao khoảng 8m còn rất nguyên vẹn từ lò đến ống khói…

Hiện vật tìm thấy từ các hố trên bao gồm: Bình, bát, đĩa, ấn chạm khắc hình rồng phượng… phân ra làm 3 loại: men ngọc xanh, gốm hoa nâu, men trắng từ thế kỷ XIV, có niên đại 700 năm.

Các chuyên gia xác định những manh mối được tìm thấy ở trên chứng minh sự giao thoa kinh tế, văn hóa giữa các Vương quốc Champa với kinh đô Thăng Long - Đại Việt.

Từ những phát hiện trên, càng thêm nhiều bằng chứng để phục vụ cho công tác nghiên cứu làm sáng tỏ chủ nhân của gốm cổ tại Bình Định...

 

Nhiều hiện vật gỗ Champa quý giá và 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm được phát hiện tại di chỉ gò Cây Me
Nhiều hiện vật gỗ Champa quý giá và 6.000 mảnh vỡ có niên đại 700 năm được phát hiện tại di chỉ gò Cây Me



Phát hiện này sẽ phục vụ cho quá trình so sánh, đánh giá trong Hội thảo quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt thế kỷ XIV-XV” giữa các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đây là những bằng chứng phản ánh sự giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các Vương quốc Champa với kinh đô Thăng Long - Đại Việt.

Ngọc Oai (sggp)

Có thể bạn quan tâm