Xã hội

Đạo hiếu ngày cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dòng người, xe cộ trên phố hối hả cho kịp chuyến hàng, kịp công việc những ngày cuối năm, nghĩa trang hay xa hơn là vùng ngoại ô thành phố, nhiều người cũng bắt đầu chuyện giẫy mả (tảo mộ, theo cách gọi của người Nam bộ). Ngày 25 tháng chạp, ai đi xa cũng tự nhắc với lòng mình đến ngày tảo mộ ông bà.

Đất hương hỏa, phần đất thường là nơi tập hợp mộ phần của người thân quá cố trong gia đình, ngày cuối năm con cháu cứ thế mà tề tựu, mỗi người một tay một chân phụ việc này việc kia. Những ngôi mộ xi-măng hay lát gạch thì việc lau chùi cũng nhẹ đi rất nhiều, hoặc quét lại vôi là xong. Nhưng mộ đất thì khác, một năm dài mưa gió, cỏ dại, không tinh ý, tinh mắt đôi khi cũng không nhận ra phần mộ. Dọn đi mớ cỏ dại, đắp thêm phần đất mới lên, rồi khói nhang cứ thế mà nghi ngút…

Người đi tảo mộ cũng không ai giải thích với ai về tục lệ này, với nhiều người, chuyện đạo hiếu cuối năm đơn giản là nhớ ngày giẫy mả cho ông bà. Và cũng không chỉ có ông bà mình, họ cũng thắp một nén nhang cho những ngôi mộ xung quanh và sẵn lòng dọn giùm đám cỏ cho mộ phần bên cạnh mộ người thân của mình. Và cũng không chỉ ở đất hương hỏa, nghĩa trang nơi có người trông coi mộ phần, nhưng hễ cuối năm luôn là nơi kẹt xe nhiều nhất, bởi dòng người đổ về tảo mộ.

Một nét đẹp ngàn đời mà nhiều người vẫn hay nhắc nhở con cháu là chuyện biết cúi đầu và thờ cúng ông bà tổ tiên. Trong những tất bật của ngày cuối năm, tảo mộ cũng là lúc để mỗi người trong gia đình tự nhìn về mình, một năm qua được-mất những gì để còn thắp nén nhang rồi thầm thì với người thân đã mất, để người lớn trong nhà dạy sắp nhỏ thế nào là ngày đi tảo mộ và con trẻ hiểu chuyện cũng là lúc tụi nó biết cách thờ cúng ông bà… Có lẽ chữ hiếu trong đời, không chỉ thể hiện lúc người thân còn bên cạnh, nó trở thành một đạo nghĩa, mà càng trưởng thành thì người ta càng biết ngẫm nghĩ về nó nhiều hơn.

Nhưng nói thì cũng ngẫm lại, không hẳn là biết đi tảo mộ thì mới trọn chữ hiếu, điều quan trọng nhất vẫn là cách người ta biết nhớ về cội nguồn, về tổ tiên ông bà. Như tết năm này, chữ hiếu ngày cuối năm đôi khi cũng nằm gọn ở một góc nhỏ trong lòng người xa xứ. Bởi mấy tháng liền phải chịu giãn cách xã hội để chống dịch, áp lực cơm áo gạo tiền khiến người ta quyết định ở lại thành phố lớn, ráng cày thêm chút nữa để có đồng ra đồng vô.

Đâu đó, ắt hẳn sẽ có người con hay đứa cháu xa nhà, đành thắp một nén nhang trong lòng để nhớ ông bà vào ngày 25 tháng chạp. Ai may mắn còn nhiều họ hàng ở quê, thì gửi gắm vài lời qua điện thoại nhờ tảo mộ ông bà thay cho mình. Và có nhờ hay không, ít nhiều cũng sẽ có một nén nhang ấm lòng người đã khuất, vì người đi tảo mộ thắp nhang cho người thân thì cũng thắp luôn những ngôi mộ gần đó.

Khi tờ lịch trong nhà bắt đầu tháng chạp, ai cũng tự dặn lòng mình nhớ ngày tảo mộ. Có những tục lệ mà dẫu bao lâu đi chăng nữa, giữa rất nhiều thứ đã lãng quên thì người ta vẫn nhớ về nó, vì đó là đạo lý muôn đời. Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, tất bật của công việc, một nén nhang tưởng nhớ người thân cũng là lúc lòng người ấm lại và gần nhau hơn, bởi người ta còn biết nhớ cội nguồn thì muôn đời vẫn còn hạnh phúc.

Theo THANH DƯƠNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm