Bạn đọc

Đảo Lý Sơn-cột mốc trên Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứng nơi cửa cảng Sa Kỳ, vời trông ra một dải đá đen ẩn hiện lấp xấp trên mặt biển khơi trước mắt, tôi đã nghe ai đó khẽ đọc bên tai câu ca dao: “Trực nhìn ngó thấy Bàn Than/Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”! (“Bàn Than” chính là dải đá đen chắn ngang trước cảng Sa Kỳ).

 Đảo Lý Sơn.
Một góc đảo Lý Sơn.

Có thể nói cách ví von rằng Lý Sơn là “Cột mốc số 0” trong vạn lý hải trình biển đảo miền Trung! Là cũng bởi từ chính nơi đây, từ đầu thế kỷ XVII, đã là nơi hình thành và khởi hành những “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa” (hoặc “kiêm quản Bắc Hải”) trực chỉ ra Biển Đông thực hiện chủ quyền quốc gia trên 2 quần đảo ấy, theo lệnh các chúa Nguyễn.

Nói đầu thế kỷ XVII chỉ là nói thời điểm có những hoạt động của các Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, chứ từ cuối thế kỷ XV, cụ thể là năm Canh Tuất 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21, vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Đại Việt trong bộ “Hồng Đức bản đồ” rồi.

Từ các chúa Nguyễn đến các vua Nguyễn đều lấy tráng đinh tại Lý Sơn để sung vào các Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Điều này cho thấy Lý Sơn có vị trí, vai trò chiến lược số 1 trong việc thể hiện chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo kia. Và công việc ấy được tiến hành đều đặn hàng năm.

Triều đình chọn Lý Sơn vì đảo này có điểm cực Bắc nơi Hòn Bé chỉ cách điểm cực Nam đảo Tri Tôn-Hoàng Sa chưa đầy 120 hải lý, trong khi điểm cực Bắc đảo Linh Côn-Hoàng Sa thì cách điểm cực Nam đảo Hải Nam-Trung Quốc đến trên 150 hải lý. Do vậy, dùng nơi đây làm điểm xuất phát các hải đội là hợp lý.

Đứng nơi cực Đông Hòn Lớn, nhìn biển trời vời vợi phía Hoàng Sa, tưởng tượng về người Cai đội Phạm Quang Ảnh năm xưa đã lãnh trọng trách ra đi tiền trạm để năm sau đích thân vua Gia Long ra đảo thể hiện chủ quyền. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình”… Do thế mà tên vị Cai đội này đã được đặt cho một đảo ở Hoàng Sa.

Đúng năm sau, 1816, vua Gia Long đích thân ra tận Hoàng Sa treo cờ khẳng định chủ quyền! Sự kiện đích thân một vị Hoàng đế thân chinh ra đảo xa thực hiện chủ quyền này đã được nhiều tư liệu ghi lại, trong đó có một câu rất văn hoa của Giám mục Tabert, người nhiều năm truyền giáo ở xứ Đàng Trong, trong sách Bức tranh thế giới-lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ, in ở Paris năm 1833: “…Chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm đính thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, Ngài long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.

Và như thế, chính người Lý Sơn đã là những công dân dọn đường cho Vua ra Hoàng Sa làm công việc đại sự thiêng liêng! Và, đa số những người đi ấy thường là “một đi không trở lại”! Do vậy, đến Lý Sơn khách còn nghe những câu ca dao nẫu nuột lòng người: “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”! Biết là “đi có về không” nên người lính Hoàng Sa phải tự lo “hậu sự” cho mình bằng manh chiếu cói với mấy nẹp tre và cuộn dây mây, để lỡ có hy sinh thì đồng đội bó giùm thân mà… “thủy táng” giữa ngàn trùng sóng nước biển khơi: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”!

Dĩ nhiên, những tráng binh hy sinh kia vĩnh viễn sẽ ở lại cùng muôn trùng sóng nước Biển Đông. Ở nơi đất liền, người thân và quê kiểng đắp cho ngôi mộ giả để tưởng vọng anh linh. Những ngôi “mộ chiêu hồn” ấy nhan nhản khắp đất Lý Sơn! Và thế nên, ở đây còn có câu ca: “Lý Sơn mây nước tứ bề/Tháng Ba Khao lề thế lính Hoàng Sa”! Lễ “Khao lề thế lính” là lễ giỗ anh linh những hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa một đi không trở lại ấy.

Có một tháng Ba Âm lịch như thế, kẻ viết mấy dòng này được dịp ra Lý Sơn, đã “mục sở thị” các đình làng An Vĩnh, An Hải, Âm Linh Tự, các nhà thờ họ tộc ở đây rộn ràng tổ chức lễ giỗ lính Hoàng Sa. Khách lại nghe bà con đọc và luận giải những câu ca dao như đã ngấm vào tâm thức của họ tự bao giờ: “Hoàng Sa trời biển mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước tứ bề/Nhớ ngày Khao lề thế lính từng năm”...

Một lão nông trồng tỏi ở Lý Sơn, trong cuộc gặp gỡ và trò chuyện bên ruộng tỏi, đã vui miệng nói với tôi rằng: Câu ca dao trên, ở vế thứ hai phải là “Lý Sơn mây nước tứ bề” mới đúng, chứ không phải nhắc lại “Hoàng Sa” nữa, vì Hoàng Sa là nơi đã nói đến ở câu “Người đi thì có mà không thấy về” rồi, còn Lý Sơn mới là nơi có ngày “Khao lề thế lính từng năm”! Nghe cũng có lý, xin chép ra đây để cùng tham khảo, vì văn học dân gian vốn có nhiều dị bản.

Trên đây, người viết đã sa đà vào những “chuyện ngày xưa”, chứ còn ngày nay thì phải đâu Lý Sơn chỉ có những Hải đội năm xưa! Bây giờ Lý Sơn cũng vẫn là “Cột mốc số 0” của những “Hải đội” mới!- Ấy là những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Lý Sơn kiên cường gan dạ và dạn dày kinh nghiệm vẫn ngày đêm nườm nượp ra khơi. Vâng, chính lớp hậu duệ của những hùng binh năm xưa vẫn bám biển bám trời, vẫn duy trì sự có mặt của người Việt Nam trên lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp những bóng ma lởn vởn của tàu nước ngoài âm mưu tranh chiếm, ngang nhiên gây hấn với ngư dân Việt Nam trên biển Việt Nam. Chính những ngư dân Lý Sơn là người… “chịu trận”! Chuyện những tàu đánh cá của ngư dân ta bị tàu Hải giám nước ngoài ngang nhiên tấn công-như chuyện ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu QNg 96382 đã quyết ôm giữ vững cột cờ khi tàu bị bắn cháy ngày 13-3-2013-được báo chí phản ảnh một thời, đã nói lên điều ấy.

Vâng, Lý Sơn, Hoàng Sa hay Trường Sa thì cũng thế-cũng là biển đảo quê ta nối liền một dải, cũng từ cái “cột mốc” Lý Sơn này là nơi ngày xưa các hải đội xuất phát, để hôm nay lại là nơi các ngư đội tiếp nối xuất hành!

 Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm