Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đảo ngược quyết định rút tàu sân bay, Tổng thống Trump có ý gì với Iran?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng sau quyết định đột ngột rút tàu sân bay USS Nimitz về nước vào cuối tuần trước nhưng sau đó thay đổi quyết định do những lời đe dọa của Iran nhằm vào quan chức hàng đầu của Mỹ.

 

Thông tin trên do trang Politico dẫn từ 2 nguồn tin rành rẽ sự việc nhưng Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối bình luận.

Tuần trước, Tổng thống Trump lệnh cho quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller rút tàu sân bay USS Nimitz về nước để giảm căng thẳng với Iran. Ông Trump chỉ muốn duy trì các tàu khu trục ở Vùng Vịnh, song Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ muốn tàu sân bay ở lại khu vực này.

Tổng thống Mỹ đã đảo ngược quyết định rút tàu sân bay sau cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 3-1. Ông Miller sau đó ra lệnh cho tàu Nimitz tiếp tục ở lại Trung Đông vì "những lời đe dọa gần đây của lãnh đạo Iran nhằm vào Tổng thống Trump và các quan chức chính phủ Mỹ khác".

 

Tổng thống Trump ban đầu lệnh tàu sân bay Nimitz về nước và duy trì tàu khu trục ở Trung Đông nhưng sau đó thay đổi quyết định. Ảnh: Politico
Tổng thống Trump ban đầu lệnh tàu sân bay Nimitz về nước và duy trì tàu khu trục ở Trung Đông nhưng sau đó thay đổi quyết định. Ảnh: Politico


Bất chấp sự phản đối của các chỉ huy hàng đầu, ông Miller thông báo quyết định rút tàu sân bay. Khi đó lý do ông Miller đưa ra là đó là chiến thuật "giảm leo thang" khi căng thẳng với Tehran tiếp tục âm ỉ. Một số quan chức cho biết con tàu đã được lên kế hoạch quay trở lại vào khoảng thời gian đó để bảo dưỡng định kỳ.

Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng Iran có thể tiến hành một cuộc tấn công vào dịp kỷ niệm một năm vụ ám sát tướng Qassem Soleimani và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis. Trước cảnh báo Iran gia tăng hoạt động trước dịp này, Lầu Năm Góc những tuần gần đây tăng cường lực lượng ở Trung Đông và báo hiệu rằng Mỹ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.


 

Tàu sân bay USS Nimitz tại biển Ả Rập. Ảnh: AP
Tàu sân bay USS Nimitz tại biển Ả Rập. Ảnh: AP


Cụ thể, những tuần gần đây, Lầu Năm Góc điều máy bay ném bom B-52 qua Vịnh Ba Tư như một tín hiệu để ngăn chặn một cuộc tấn công của Iran. Cuối tháng trước, quân đội Mỹ triển khai tàu ngầm chở tên lửa dẫn đường USS Georgia đi qua eo biển Hormuz, cùng một phi đội máy bay chiến đấu bổ sung đến khu vực. Quân đội cũng công bố hình ảnh và video về các chuyến bay và quá cảnh như một thông điệp tới Iran.

Việc triển khai lực lượng tới khu vực này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về việc Iran sẽ thực hiện các hành động quân sự bổ sung để đáp trả vụ giết hại tướng Soleimani vào ngày 3-1-2020. Vì vậy, những người theo dõi diễn biến ở Iran rất ngạc nhiên khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller ra lệnh cho tàu USS Nimitz, vốn đang đóng quân ở Trung Đông, rút về.

Theo Politico, đây là động thái mới nhất trong một chuỗi đảo ngược khiến các nhà quan sát bối rối và gửi tín hiệu trái chiều tới Iran. Một số cựu quan chức quốc phòng Mỹ chỉ trích quyết định đảo ngược đối với tàu USS Nimitz, lưu ý rằng thông điệp hỗn hợp làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột.

Ông David Lapan, cựu quan chức tại Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa, đồng thời là đại tá thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, nhận định: "Khi ở trong tình huống bất ổn, căng thẳng giữa hai nước với lực lượng quân đội lớn, nguy cơ tính toán sai lầm sẽ cao hơn".

Các nhà ngoại giao và quan chức khác tin rằng lãnh đạo Iran hiểu mối quan hệ của Washington và Tehran có thể thay đổi mạnh mẽ dưới thời chính quyền ông Joe Biden.

Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm