Giáo dục

Đào tạo 'chui' văn bằng 2: Trường phủ nhận trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù có văn bản đóng dấu của nhà trường, được ký bởi những người có trách nhiệm, nhưng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội phủ nhận, cho rằng các cá nhân này không đại diện cho nhà trường.

Trường ký, đóng dấu nhưng sai phạm là...của cá nhân

Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, trong các năm 2021, 2022, ở Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã tồn tại những lớp đại học văn bằng 2 (VB2) tiếng Anh trên danh nghĩa, nhưng việc giảng dạy có hay không thì trường không nắm được. Theo kết luận thanh tra do chính trường này thực hiện, việc tổ chức đào tạo các lớp VB2 như kể trên là do cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà, Phó trưởng khoa Khoa Tiếng Anh B của trường, tổ chức thực hiện và không đại diện cho nhà trường.

Đào tạo "chui" văn bằng 2, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội nói cả hệ thống bị một cá nhân… lôi kéo
Đào tạo "chui" văn bằng 2, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội nói cả hệ thống bị một cá nhân… lôi kéo

Theo tài liệu mà Báo Thanh Niên có được, các quyết định công nhận trúng tuyển đầu vào các lớp VB2 nói trên là do Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, GS Vũ Văn Hóa ký. Nhưng nhà trường cũng cho rằng các quyết định này do ông Hóa tự ký khi "không có ủy quyền của hiệu trưởng". Phòng Thanh tra - pháp chế của trường này kết luận: "các quyết định trúng tuyển đầu vào này không có hiệu lực".

Nhà trường cũng thừa nhận đã có 14 bảng điểm toàn khóa được cấp cho sinh viên lớp VB2.12 và có 1 bảng điểm toàn khóa cấp cho sinh viên lớp VB2.13 (đều do một Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo ký); có một danh sách điểm thi các học phần lớp VB2.12 do bà Hà ký và lớp VB2.13 do ông Hóa ký. Nhưng nhà trường cho rằng các bảng điểm này là không có giá trị.

Về việc một lãnh đạo khác của Phòng Quản lý đào tạo cũng đã ký giấy chứng nhận tốt nghiệp của lớp VB2.12 (cho 3 trường hợp) và ký xác nhận hoàn thành chương trình học lớp VB2.13 (cho 1 trường hợp), nhà trường cũng nói những giấy này không có hiệu lực.

Việc tổ chức thi kết thúc học phần, đánh giá khóa luận tốt nghiệp các lớp VB2 nói trên, nhà trường cho là đều do bà Hà chủ trì tổ chức (có phối hợp với một số giảng viên khác của trường). Việc ông Hóa ký thành lập ban chức năng giúp việc cho hội đồng thi kết thúc học phần của một số học kỳ và ký lịch thi, là do bị bà Hà… lôi kéo.

"Nộp học phí cho ai, tìm người đó mà đòi"

Theo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, toàn bộ sự việc liên quan tới các lớp đại học chính quy VB2 ngành ngôn ngữ Anh mở ở các cơ sở Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đức Cảnh từ năm học 2020 - 2021 đến nay (VB2.12, VB2.13, VB22.1) là do cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà lấy danh nghĩa Khoa Tiếng Anh B đứng ra kết nối với hai cơ sở nói trên để đứng ra tuyển sinh. Bà Hà cũng chủ trì tổ chức đào tạo các lớp VB2 này, đồng thời kéo theo một số cá nhân của nhà trường tham gia một số khâu trong quá trình tuyển sinh và đào tạo. Vì thế, bà Hà và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, việc ông Lê Văn Sắc, Nguyễn Văn Học (là các lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo của trường) ký xác nhận bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp, giấy xác nhận hoàn thành chương trình học văn bằng 2 là việc cá nhân của hai vị này và không đại diện cho nhà trường. Vì thế trường cho rằng, các giấy tờ này không có giá trị và không được công nhận, dù có đóng dấu của nhà trường.

Khi đề xuất phương án giải quyết với người học, Ban Thanh tra - pháp chế của trường cho rằng nếu những người học các lớp VB2 muốn được nhà trường cấp bằng thì nộp hồ sơ, thực hiện lại từ đầu các bước tuyển sinh, đào tạo...

Còn về học phí mà sinh viên đã nộp, ban này khẳng định: "Nhà trường không tổ chức mở lớp, không thu và quản lý, sử dụng học phí đối với các lớp VB2. Vì vậy, người học muốn giải quyết mọi vấn đề liên quan tới quyền lợi của mình, kể cả học phí thì cần làm việc trực tiếp với các cá nhân, cơ sở đã mở lớp và tổ chức đào tạo, thu học phí để giải quyết việc này".

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vướng đến các lùm xùm về tuyển sinh, đào tạo "chui". Trước đó, năm 2020, trường này đã tuyển sinh, đào tạo chui hàng ngàn chỉ tiêu ngành dược. Thời điểm đó nhà trường đã nhận sai, hứa sẽ trả lại tiền cho người học.

Nhưng lần này thì nhà trường đã đổ hết lỗi cho một số cá nhân, trước hết để chối bỏ món nợ nhiều tỉ đồng với học viên, cũng như để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Quý Hiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm