Giáo dục

Tin tức

Gia Lai tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai Lê Duy Định đặt ra cho toàn ngành tại hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2024-2025.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long nêu rõ: Học kỳ I năm học 2024-2025, toàn tỉnh hiện có 756 trường mầm non, phổ thông với 407.921 học sinh/12.045 lớp. Mặc dù triển khai nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện còn nhiều khó khăn song ngành Giáo dục tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ; hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

5gd.jpg
Quang cảnh hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2024-2025. Ảnh: Trần Dung

Cụ thể, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 94,2% (vượt 0,2% kế hoạch); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 99,9% (bằng 100% kế hoạch); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học cấp THCS đạt 96,85% (vượt 0,05% kế hoạch); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học cấp THPT đạt 59,35% (vượt 0,35% kế hoạch); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp đạt 68,30% (vượt 0,27% kế hoạch).

Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh (Bảng A) năm học 2024-2025 có 183 học sinh đạt giải với 7 giải nhất, 27 giải nhì, 61 giải ba và 88 giải khuyến khích; Bảng B có 485 học sinh đạt giải với 22 giải nhất, 75 giải nhì, 141 giải ba và 247 giải khuyến khích. Đặc biệt, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT vừa qua, tỉnh có 50 giải, gồm: 1 giải nhất, 4 giải nhì, 18 giải ba và 27 giải khuyến khích.

be09c9e7bdf902a75be8.jpg
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 99,9% (bằng 100% kế hoạch). Ảnh: Trần Dung

Ngành cũng đã tổ chức thành công hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non tỉnh Gia Lai lần thứ IV; phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức thành công hội thi giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh năm 2024; tổ chức Cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” học sinh phổ thông tỉnh Gia Lai lần thứ IV; tổ chức cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11; tổ chức giải bơi học sinh phổ thông lần thứ IV;.... Lần đầu tiên, Cầu truyền hình trực tiếp trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 đặt ở tỉnh Gia Lai với sự nỗ lực của cá nhân học sinh và toàn thể ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai.

“Trong học kỳ qua, giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới đồng bộ về quan điểm, nội dung và phương pháp giáo dục. Giáo dục tiểu học và trung học triển khai, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có hiệu quả. Giáo dục dân tộc có nhiều khởi sắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý giáo dục và hoạt động của giáo viên được đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính, truyền thông giáo dục, thanh tra-kiểm tra trong toàn ngành được tăng cường; đẩy mạnh các cuộc vận động lớn, phong trào thi đua của đất nước, địa phương cũng như chuyên đề của ngành…”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long thông tin.

1-tg.jpg
Ngành GD-ĐT tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11. Ảnh: Trần Dung

Cho rằng năm học 2024-2025 diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai Lê Duy Định nhấn mạnh: “Mặc dù ngành còn găp nhiều trở ngại như: Cơ sở vật chất tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình; đội ngũ giáo viên đã được quan tâm bổ sung nhưng còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học đã ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch dạy học, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, chất lượng giáo dục và dạy học 2 buổi/ngày… Tuy nhiên, với những cố gắng nỗ lực rất lớn, ngành Giáo dục đã vượt qua những thách thức, khó khăn và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Kết quả này được thể hiện ở việc chúng ta đã hoàn thành 100% chỉ tiêu UBND tỉnh giao, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt và 1 chỉ tiêu đạt”.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá, thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của ngành; đồng thời thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong học kỳ II cũng như cả năm học 2024-2025.

1gd.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định yêu cầu toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025 Ảnh: Trần Dung

Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, phòng GD-ĐT huyện Đak Pơ đã triển khai hiệu quả công tác huy động trẻ mầm non ra lớp. Ông Nguyễn Bảo Toàn-Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: Ngành đã tăng cường một số giải pháp như: Tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và hướng tới đối tượng là những bậc cha mẹ có con trong độ tuổi ra lớp; biện pháp tuyên truyền phù hợp để người dân hiểu rõ sự cần thiết phải đưa trẻ đến trường mầm non; các trường phân công giáo viên về từng địa bàn dân cư làm công tác điều tra số liệu trẻ mầm non, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của từng cha mẹ trẻ kết hợp tuyên truyền về GDMN hiện nay và vận động trẻ ra lớp; triển khai có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đáp ứng chương trình GDMN; xây dựng trường mầm non hạnh phúc, gắn với xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm…

“Kết quả huy động trẻ ra lớp năm 2024-2025, độ tuổi từ 0-2 tuổi đạt 13,7%; độ tuổi từ 3-5 tuổi đạt 96,84%; 5 tuổi đạt 100%. So với đầu năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng từ 12,3% lên 13,7%”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đak Pơ cho hay.

8e33ad70d96e66303f7f.jpg
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê Phạm Văn Hoàng cho rằng cần tạo ra một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và an toàn cho hệ thống học bạ số, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu. Ảnh: Trần Dung

Là đơn vị triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học, phòng GD-ĐT huyện Chư Sê đã tích cực triển khai các nội dung như: Tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số; cùng với Viettel Gia Lai tổ chức triển khai hội nghị đến 100% các cơ sở giáo dục tiểu học về công tác cấp chữ ký số; phối hợp tập huấn sử dụng chữ ký số ký các loại hồ sơ sổ sách giáo viên, ký số học bạ cho tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện Chư Sê.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê Phạm Văn Hoàng thông báo kết quả: Hiện nay 100% thông tin học sinh phổ thông đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu GD-ĐT; 100% trường Tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có phân công cán bộ quản lý giáo dục hoặc giáo viên, nhân viên để vận hành hệ thống phần mềm SMAS và cơ sở dữ liệu; 100% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã được cấp chữ kí số; có 14.051 học bạ của học sinh đã được khởi tạo trên phần mềm học bạ số.

Để triển khai hiệu quả học bạ số, theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, cần nâng cao hệ thống đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên để xây dựng sự tự tin và thành thạo trong việc sử dụng các công cụ số. Cùng với đó, tạo ra một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và an toàn cho hệ thống học bạ số, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu. Đầu tư vào các biện pháp an ninh mạng và thiết lập các giao thức quản lý dữ liệu sẽ bảo mật được thông tin cá nhân của học sinh...

gddt-7327-8494.jpg
Ngành GD-ĐT Gia Lai đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cũng như công tác ôn thi với mục đích duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi. Ảnh: Trần Dung

Năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng phương án mới trong tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT, đặc biệt nội dung thi sẽ bám sát chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với “tính mở” cao. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT Gia Lai đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cũng như công tác ôn thi với mục đích duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi.

Bà Phạm Thị Hồng Ngọc-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa) cho rằng: Kỳ thi này đánh dấu một mốc thay đổi rất lớn, lần đầu tiên đánh giá học sinh về phẩm chất và năng lực cần đạt. Đặc biệt đối với môn Ngữ văn thi theo chương trình mới, ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, đề có tính mở cao; điều này sẽ chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch. Thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Với những thay đổi trên, chắc chắn sẽ tạo ra không ít băn khoăn, lo lắng cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Nêu giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT 2025, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông chia sẻ: Nhà trường cần nâng cao nhận thức của học sinh về động cơ và mục tiêu học tập. Điều này sẽ giúp cho học sinh có động lực học và vượt qua mọi khó khăn trong việc học dù chương trình mới hay khó, cách thức thi có thay đổi thì các em cũng quyết tâm nỗ lực để đạt được mục tiêu học tập. Cùng với đó, làm tốt công tác tư vấn học sinh lựa chọn môn học lựa chọn và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác dạy ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Tổ chuyên môn nghiên cứu và phân tích đề thi minh họa; vận dụng vào việc dạy và ra đề kiểm tra đánh giá của khối lớp 12. Nhà trường tổ chức thi thử sớm, áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT mới nhất. Chú trọng bồi dưỡng học sinh phương pháp tự học, tư duy logic để vận dụng sáng tạo kiến thức, hạn chế ghi nhớ máy móc. Giáo viên giảng dạy cần có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, say mê và truyền ngọn lửa đam mê học tập cho các em học sinh.

5572167724f398adc1e2.jpg
Ngành GD-ĐT tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo. Ảnh: Trần Dung

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm học 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định đề nghị toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 7 kế hoạch lớn của ngành giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngành phấn đấu tổ chức tốt các kỳ thi, hội thi; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường các giải pháp, huy động các nguồn lực để đáp ứng các điều kiện nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018; xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm an ninh, an toàn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương; triển khai học bạ số cấp Tiểu học đại trà; triển khai thí điểm học bạ số cấp THCS, THPT; tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục tham mưu kế hoạch triển khai Đề án phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2025-2030.

“Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận cao, ngành giáo dục sẽ phát huy thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ II năm học 2024-2025, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2025 của tỉnh”-Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm