Sức khỏe

Đắp thuốc nam trị rắn cắn, bệnh nhi ở Gia Lai phải tháo khớp ngón chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Trong tháng 6-2024, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) tiếp nhận 5 trường hợp bị rắn cắn. Trong đó, 1 bệnh nhi phải tháo khớp ngón chân vì tự ý đắp thuốc nam điều trị rắn cắn khiến vết thương nhiễm trùng, hoại tử ngón chân.

Cuối tháng 6-2024, em Bùi Duy Cương (SN 2014, thôn Chí Linh, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) bị rắn cắn nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng sốt cao liên tục, nôn ói nhiều, nhiễm trùng và hoại tử tại vết thương do rắn cắn ở ngón thứ hai bàn chân trái. Cương cho biết, em đang ở trong nhà thì bị rắn bò từ ngoài vào cắn. Sau khi bị rắn cắn em nói ngay với mẹ.

Đắp thuốc nam trị rắn cắn, bệnh nhi này phải tháo khớp ngón chân thứ hai bàn chân trái. Ảnh: Như Nguyện

Đắp thuốc nam trị rắn cắn, bệnh nhi này phải tháo khớp ngón chân thứ hai bàn chân trái. Ảnh: Như Nguyện

Sau khi biết con bị rắn cắn, chị Nguyễn Thị Phương (mẹ bệnh nhi Cương) đưa con đi đắp thuốc nam. Sau 1 ngày, tình trạng vết thương không thuyên giảm mà có triệu chứng nặng nên đưa con đến bệnh viện. Chị Phương chia sẻ: Cháu ở trong nhà thì bị rắn bò vào cắn. Sau khi bị rắn cắn, cháu kêu đau và buốt không chịu được nên tôi lấy dây thun cột cổ chân cho cháu và sau đó tôi đưa cháu đi đắp thuốc nam.

Theo chị Phương, ngoài đắp thuốc, ông thầy này còn cho thuốc về uống nhưng con chị cứ uống thuốc vào là bị ói, sau đó người mệt mỏi, sốt cao. “Ngày hôm sau, thấy con đau quá, tôi đưa cháu lại tiệm thuốc nam, ông thầy lại cho cháu uống một chút thuốc nhưng cháu lại nôn ra hết thuốc. Ông tiếp tục đắp thuốc nhưng qua quan sát tôi thấy mu bàn chân của cháu sưng và tấy đỏ lên nhưng ông thầy vẫn cam kết là 7 ngày nữa cháu sẽ lại đi đá bóng được. Tuy nhiên, đêm đó con tôi sốt nặng nên gia đình đưa lên Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện và tiếp đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Gia Lai cấp cứu”- chị Phương nói.

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) thông tin: Bệnh nhi Cương vào viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng rất mệt, nôn ói nhiều, sốt cao liên tục, sưng đau, bầm tím và hoại tử tại vị trí rắn cắn là ngón thứ 2 của bàn chân trái và bị bầm tím lan lên hết cả bàn chân, bàn chân bị sưng nề tấy đỏ lên tới khớp gối. Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhi rất nặng và bị hoại tử tại vết rắn cắn.

“Các bác sĩ lập tức xử trí cấp cứu ban đầu, hội chẩn với ngoại khoa cấp cứu và xử trí cắt lọc hết phần hoại tử, tháo bỏ đốt ngón chân bị hoại tử vì nếu để lại tình trạng nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng đến toàn thân, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu tổn thương đa cơ quan gây nguy hiểm tính mạng. Sau khi xử lý cấp cứu, hiện bệnh nhân đã giảm sốt, giảm sưng tấy ở bàn chân, vết thương đỡ đau nhức. Bệnh nhi ăn uống được và hiện đang hồi phục” bác sĩ Trang cho hay.

Chỉ trong tháng 6-2024, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) đã tiếp nhận 5 trường hợp bị rắn cắn. Ảnh: Như Nguyện

Chỉ trong tháng 6-2024, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) đã tiếp nhận 5 trường hợp bị rắn cắn. Ảnh: Như Nguyện

Chỉ trong tháng 6-2024, Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận 5 trường hợp bị rắn cắn. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo nhưng vẫn có không ít trường hợp tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà đến khi bệnh chuyển nặng mới đưa vào viện.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách, nhập viện trong tình trạng nặng với nguy cơ bị hoại tử vì nhiễm trùng máu, thường gặp nhất là garo (cột dây) không đúng cách dẫn đến hoại tử các bộ phận cơ thể hoặc nhiễm trùng do rạch vết rắn cắn đắp lá...Việc sơ cứu không đúng cách, đắp lá trị rắn cắn không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị.

Theo Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai), rắn cắn chia làm 2 nhóm: Nhóm gây tổn thương hệ thần kinh và nhóm gây rối loạn đông máu. Hiện đang là mùa hè-mùa rắn hoạt động và là mùa sinh sản của rắn, vì vậy nơi ở của các gia đình có vườn cây cần chú ý vì rắn có khả năng bò vào nhà cắn người hoặc cắn trong lúc làm vườn. Nếu chẳng may bị rắn cắn thì khuyến cáo người dân không được garo, không chích rạch, không nặn ngay chỗ vết chích, không đắp lá, thuốc nam... vì có thể làm cho tổn thương nặng hơn.

“Việc nên làm là sát khuẩn vết thương, nếu không có cồn sát khuẩn thì rửa bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch. Những trường hợp không may bị rắn cắn cần phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt, ít nhất trong 12 giờ đầu để đảm bảo điều trị hiệu quả”- bác sĩ Trang khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm