Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đất Bằng, mảnh đất kiên trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sáng mùa thu tháng 8, xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đón chúng tôi bằng những dãy núi điệp trùng xanh và lớp lớp mây trắng bao phủ. Chỉ khi đứng ở giữa thung lũng Đất Bằng và thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp hùng tráng của vùng đất anh hùng mới thấm thía vì sao nơi này lại được mệnh danh là “căn cứ du kích” kéo dài qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
1. Không chỉ có núi cao bao phủ, dòng sông Mlah (chảy dọc địa giới của 2 xã Đất Bằng và Ia Mlah), suối Ia Rnho, đập dâng Ma Giai… đã tạo nên một nét riêng cho vùng đất này. Phải chăng, chính địa hình hiểm trở, đầy huyền bí của núi, của sông, của rừng hay chính lòng dân tin Đảng, tin cách mạng mà nơi này trở thành pháo đài vững chắc qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Các tài liệu lịch sử ghi nhận, từ cuối thế kỷ XIX, người Jrai ở Đất Bằng dưới sự lãnh đạo của các già làng đã đứng lên chống Pháp. Truyền thống đánh giặc giữ nước, giữ làng được tiếp nối mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi này trở thành vùng đất thép của lực lượng du kích địa phương. Nếu trong kháng chiến chống Pháp (1951), xã Đất Bằng được tuyên dương xã chiến đấu xuất sắc của tỉnh Đak Lak thì đến năm 1978, quân và dân xã Đất Bằng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Kpă Pryt sinh ra và lớn lên ở Đất Bằng, tham gia lực lượng du kích từ năm 1965. Ông thuộc lòng tên từng dãy núi, con suối, dòng sông. Đứng trước dãy Knoa Hra, ông hồi tưởng: “Tại ngọn núi này, trong một lần đối mặt với lính Mỹ, mình bị chúng bắn một phát xuyên vùng đùi”.
Đó là ký ức khó quên trong 10 năm tham gia kháng chiến. Ông kể, nhóm du kích buôn Ma Hinh gồm 9 người nhưng chỉ có 8 khẩu súng, đang ngược lên núi thì bất ngờ gặp toán lính Mỹ ập xuống. Mặt đối mặt, chúng giơ súng bắn ngay lập tức. Những đồng đội của ông có người bị thương, có người chạy thoát. Ông bị bắn trúng đùi trái, máu chảy ướt bắp chân. Bị thương nặng nhưng ông nghĩ còn sống là còn về được nhà. Ông vừa trườn, vừa bò về tới buôn thì lả đi vì mất máu nhưng may mắn gặp được y tá Nay But chăm sóc, băng bó kịp thời. Vậy mà vết thương chưa kịp lên da non, ông đã không thể ngồi yên.
Khu lưu niệm lịch sử, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2 tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Khu lưu niệm lịch sử, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2 tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo ông Pryt, đó chỉ là một trong vô số lần “giáp lá cà” của du kích địa phương với kẻ thù. Lực lượng du kích địa phương gồm những thanh niên Jrai như ông Kpă Pryt ngày càng lớn mạnh, trở thành đội ngũ tinh nhuệ của cách mạng. Đường dây liên lạc bí mật luôn hoạt động hiệu quả, việc chuyển công văn, giấy tờ từ buôn này sang buôn khác, những lần dẫn đường cho bộ đội hành quân trong các chiến dịch… đều đảm bảo an toàn, bí mật.
2. Ngay trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến vệ quốc, vùng đất anh hùng này còn ghi dấu những chuyện tình đẹp. Ông Rơ Ô Blia và bà Kpă Hmlai đã gặp nhau giữa những tháng ngày ác liệt nhất của cuộc chiến năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ. Khi đó, bà tham gia lực lượng dân công ở chiến trường B3 (nay là huyện Đức Cơ), còn ông chiến đấu ở huyện H2 (nay là huyện Krông Pa).
Ông Rơ Ô Blia kể: 2 đơn vị đồng ý nên ông bà thành vợ chồng dù không có đám cưới. Bởi vậy sau ngày giải phóng, việc đầu tiên bà Kpă Hmlai làm là tổ chức “cưới lại” theo phong tục của người Jrai. Một đám cưới cũng thật lạ lùng và hy hữu khi không có chú rể.
Bà Kpă Hmlai nhớ lại: “Theo phong tục, nhà gái phải làm một con heo để mời và ra mắt nhà trai cùng họ hàng 2 bên, thông báo cho mọi người biết là mình đã “bắt chồng”. Người Jrai gọi đó là “cưới lại”. Nhưng lễ cưới không có chú rể vì khi đó ông vẫn đang công tác ở Huyện đội Ayun Pa”.
Ông Rơ Ô Blia nở nụ cười khi nhắc lại chuyện riêng. Trong cuộc đời mỗi người, kể ra đó cũng là chuyện thật hy hữu, có phần thiệt thòi khi hy sinh những nhu cầu và hạnh phúc riêng tư cho lý tưởng, cho cách mạng. Nhưng với ông bà, nắm tay nhau vượt qua tháng năm, từ mưa bom bão đạn cho đến ngày hòa bình, sống trọn vẹn với nhau tới hôm nay đã là sự tưởng thưởng vô giá.
Sự cống hiến của ông bà cũng đã được đền đáp. Trong tháng 7 vừa qua, ông được Thị ủy Ayun Pa tặng một ngôi nhà tình nghĩa ngay trên quê hương Đất Bằng. Một ngôi nhà sàn làm hoàn toàn bằng gỗ theo đúng truyền thống Jrai. Đó là món quà của sự tri ân, của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đang được thế hệ trẻ phát huy, bồi đắp.
Các thế hệ đi trước ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng tại khu lưu niệm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các thế hệ cùng ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng tại khu lưu niệm. Ảnh: Hoàng Ngọc
3. Tại xã Đất Bằng, UBND huyện Krông Pa đã khởi công xây dựng khu lưu niệm lịch sử, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2, tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa. Công trình khởi công cuối năm 2019, có diện tích gần 1,8 ha với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ vốn ngân sách huyện. Khu lưu niệm gồm các hạng mục: nhà bia, nhà trưng bày, hồ sen, cầu kiều, kè đá, tường rào thoáng và hàng rào kẽm gai.
Đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục, khuôn viên đang được di thực nhiều cây trồng bản địa về trồng tạo cảnh quan đặc trưng, xanh mát. Bên dưới cầu kiều sẽ được trồng toàn bộ hoa sen làm điểm nhấn cho quần thể công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử này. Công trình dự kiến khánh thành vào dịp Quốc khánh 2-9 tới.
73 năm kể từ sự kiện mùa thu năm 1947, chúng tôi may mắn có mặt trên vùng đất anh hùng này cùng những người cộng sản kiên trung như ông Kpă Pryt, ông Rơ Ô Blia, bà Kpă Hmlai đúng vào những ngày đầu tháng 8. Là những người trực tiếp chiến đấu ở vùng đất cách mạng, ông Rơ Ô Blia cho biết, công trình có ý nghĩa đặc biệt với người đảng viên như ông cũng như các tầng lớp nhân dân trong xã, trong huyện.
“Tôi rất xúc động khi khu lưu niệm lịch sử được xây dựng tại xã Đất Bằng. Đây là chứng tích ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước, bản thân tôi rất tự hào khi đóng góp một phần nhỏ trong truyền thống đấu tranh cách mạng của xã”-ông Rơ Ô Blia bày tỏ.
Đất Bằng sau giải phóng là một xã nghèo, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn nay đã trở thành khu dân cư trù phú với trên 1 ngàn hộ dân và 4.800 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 30% nhưng so sánh 5 năm trước có thể thấy Đất Bằng đã có bước tiến mới trong xóa đói giảm nghèo (năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 56%).
Là lớp cán bộ trẻ, có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo để từng bước phát triển kinh tế-xã hội trên vùng đất anh hùng, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Thanh Khiết cho rằng: “Nhân dân xã Đất Bằng vinh dự khi khu lưu niệm lịch sử, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được xây dựng tại đây. Công trình sẽ là nơi giúp cho thế hệ trẻ có điều kiện tìm hiểu, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của thế hệ đi trước. Truyền thống ấy sẽ là gốc rễ, là cội nguồn tiếp sức trong hành trình đi tới một cách vững vàng. Thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng để phấn đấu, cống hiến sức trẻ xây dựng xã anh hùng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chung của huyện”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm