Xã hội

"Đất chết" hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt lên bao nỗi đau thương, làng Tân Lập xưa (nay là thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)-nơi từng bị thực dân Pháp biến thành vùng đất chết giờ đã hồi sinh mãnh liệt. Người dân nơi đây giờ ai cũng no ấm, đủ đầy, cùng hòa nhịp với cuộc sống mới.
Ký ức đau thương
Từ trung tâm huyện Kbang theo những con đường bê tông phẳng lì chạy xuyên qua những rẫy mía, nương dâu hay cánh đồng lúa xanh rì là đến xã Đak Hlơ. Đây là minh chứng rõ nét nhất về sự đổi thay khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Thế nhưng, ít ai ngờ nơi đây từng xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng. Cách đây hơn 75 năm, vào rạng sáng 18-3-1947, thực dân Pháp đã gây ra cuộc tàn sát đẫm máu khi giết hại 368 người thuộc 74 gia đình sinh sống ở làng Tân Lập. Chúng bắn giết không chừa một ai. Một vài người dân may mắn sống sót khi ấy do đi chăn bò cách xa làng, tìm được chỗ ẩn nấp hay giả vờ chết. Tân Lập chìm trong thảm cảnh tang thương. Từ sau buổi ấy, làng Tân Lập gần như bị xóa sổ.
Lịch sử ghi nhận, nguyên nhân vụ thảm sát bắt đầu từ việc quân chủ lực của ta bắt đầu tăng cường hoạt động ở hướng An Khê. Đêm 14-3, bộ đội chủ lực nổ súng tấn công đồn Tú Thủy rồi cùng với người dân các làng Tân Lập, Tú Thủy, Cửu Đạo, An Xuân nổi dậy uy hiếp địch. Không chiếm được đồn, bộ đội rút về chiến khu củng cố lực lượng. Lợi dụng thời điểm này, địch phản công, khủng bố, đàn áp khốc liệt. Đỉnh điểm là sáng 18-3, thực dân Pháp cho lính càn vào làng. Sau khi tìm thấy dấu vết của bộ đội như bếp nấu, khí cụ và các loại dây phục vụ thông tin liên lạc, chúng nghi ngờ dân làng Tân Lập nuôi giấu cán bộ cách mạng nên bắt bớ, đốt nhà, đập phá tài sản của người dân. Chúng dã man bắn giết từ người già, trẻ em cho đến phụ nữ mang thai.
 Nông dân xã Đak Hlơ thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Nguyễn
Nông dân xã Đak Hlơ thu hoạch lúa. Ảnh: Minh Nguyễn
Khi người dân đến ẩn nấp ở nhà một người của làng làm việc cho Pháp, chúng cũng không tha mà liên tục dùng súng bắn chết không chừa một ai. Sau đó, chúng vứt luôn cả xác những người bị giết từ trước ở bên ngoài vào rồi đốt nhà. Ông Nguyễn Hữu Tòng (xã Thành An, thị xã An Khê) nhớ lại: “Ông ngoại tôi may mắn thoát chết sau cuộc thảm sát vì lúc đó đang ở làng bên. Thời niên thiếu, qua lời ông ngoại, tôi cũng thấu hiểu được phần nào nỗi đau và sự mất mát quá lớn này. Mỗi khi kể về vụ thảm sát làng Tân Lập, trên gương mặt ông luôn thể hiện nỗi đau thương tột cùng”.
Năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947”. Ngay tại nơi tang thương ngày trước, nhà bia tưởng niệm những nạn nhân xấu số được xây dựng như một ngôi mộ tập thể, một chứng nhân khắc nhớ tội ác không thể dung thứ của giặc Pháp khi thẳng tay tàn sát người dân vô tội.
Ông Tòng chia sẻ: “Hàng năm, vào ngày 28 tháng 2 âm lịch, những người con của làng Tân Lập trước đây còn sống sót, người thân của các nạn nhân bị giặc Pháp sát hại và người dân trong thôn đều tụ họp về đây để làm giỗ, thắp hương cho những người đã khuất. Đây cũng là dịp nhắc nhở cháu con về tội ác thực dân Pháp gây ra trong chiến tranh, qua đó giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, biến đau thương thành hành động thiết thực để đổi thay vùng đất chết”.
Màu xanh trên vùng “đất chết”
Sau cuộc thảm sát, những người may mắn thoát nạn ấy cũng bỏ tới làng Tân Tạo (nay thuộc xã Thành An, thị xã An Khê) sinh sống. Làng Tân Lập bị xóa sổ hoàn toàn. Vùng đất này từ đó trở nên hoang tàn, đổ nát, không có người sinh sống, mãi cho đến sau ngày đất nước thống nhất mới có một vài người đến đây canh tác nông nghiệp. Làng Tân Lập bắt đầu hồi sinh khi những hộ dân phía Bắc và Bình Định chọn vùng đất này làm nơi sinh sống, lập nghiệp.
Hưởng ứng phong trào đi xây dựng kinh tế mới, năm 1984, gia đình ông Nguyễn Văn Quảng rời quê hương Hà Tĩnh vào làm công nhân cho Nông trường quốc doanh Sông Ba (huyện An Khê cũ). Theo ông Quảng, thời đó, vùng này toàn là rừng núi hoang vu. Nhờ cần mẫn khai hoang, cày cuốc trồng trọt nên vùng “đất chết” giờ đã là cánh đồng trù phú, nào là rẫy mía, ruộng lúa, đồng ớt xanh rì. Mỗi năm với 4 ha mía cùng 1,5 sào lúa, gia đình ông thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.
Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thắp hương tưởng nhớ những người dân làng Tân Lập bị giặc Pháp thảm sát. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ (huyện Kbang) thắp hương tưởng nhớ những người dân làng Tân Lập bị giặc Pháp thảm sát. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Y Phương-Phó Chủ  tịch UBND huyện Kbang: “Sau khi xây dựng nhà bia tưởng niệm “Vụ thảm sát Nhân dân làng Tân Lập năm 1947”, huyện giao cho xã Đak Hlơ tổ chức thờ cúng, dâng hương tưởng niệm nhân dịp lễ, Tết và ngày bà con bị thảm sát. Đồng thời, vận động người dân đoàn kết, biến đau thương thành hành động thiết thực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Ông Quảng kể, rẫy mía ông đang canh tác tiếp giáp với khu nhà bia tưởng niệm. Trước đây, ông cũng nghe loáng thoáng về câu chuyện thực dân Pháp thảm sát người dân làng Tân Lập. Nhưng chỉ đến khi được tham gia đoàn khảo sát thu thập tài liệu, gặp gỡ những nhân chứng sống kể lại ngày tang thương đó thì ông mới tường tận. Giờ đây, những lúc ngơi tay sau buổi cày xới hay có việc đi qua, ông đều dừng lại thắp hương cho những người xấu số.
Giống như ông Quảng, gia đình bà Trần Thị Hiền cũng rời quê Thanh Hóa từ những năm 80 của thế kỷ trước vào Đak Hlơ khai hoang lập nghiệp. Cần mẫn lao động, gia đình bà dần có cuộc sống ổn định từ 3 ha mía và 2,5 sào lúa. Vùng đất nhiều năm hoang hóa, không có người sinh sống, canh tác thì nay đã căng tràn sức sống. Đan xen với những căn nhà mái ngói đỏ au là các con đường trải bê tông phẳng lì dẫn ra khu sản xuất. Nơi đó, cánh đồng mía trải dài ngút mắt. Bà Hiền cho hay, ruộng lúa của gia đình gần khu nhà tưởng niệm. Những ngày rằm hay lễ, Tết, ngày giỗ chung hàng năm, bà đều mua bánh trái, hoa quả đến thắp hương tưởng nhớ.
Làng Tân Lập ngày ấy giờ đã có biết bao đổi thay, màu xanh đã trở lại những nơi in hằn tàn tích đau thương. Ảnh: Minh Nguyễn
Làng Tân Lập ngày ấy giờ đã có biết bao đổi thay, màu xanh đã trở lại những nơi in hằn tàn tích đau thương. Ảnh: Minh Nguyễn
Nói về những đổi thay hôm nay, ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-cho biết: Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Đak Hlơ là xã đầu tiên của huyện Kbang về đích nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ. Làng Tân Lập ngày ấy giờ đã có biết bao đổi thay, màu xanh đã trở lại những nơi in hằn tàn tích đau thương. Vùng đất chết đã chuyển mình, hồi sinh mạnh mẽ khi cây mía, cây mì, đồng dâu, ruộng lúa... bám rễ cho những vụ mùa bội thu. Ngoài ông Quảng, bà Hiền, nhiều hộ trong thôn 1 cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây mía, cây mì…  
“Hàng năm, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Đak Hlơ đều tổ chức hương khói, cúng kính tại khu vực nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ những người dân vô tội ở làng Tân Lập bị giặc thảm sát; từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Chúng tôi luôn động viên người dân địa phương vượt qua nỗi đau, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, chung sức đồng lòng biến vùng đất hoang tàn xưa ngày càng trở nên trù phú, ấm no”-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ tự tin khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm