Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đất của đời - Truyện ngắn của Thu Loan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi vừa nhận bằng cử nhân kinh tế, đang ở Sài Gòn tìm việc thì nhận tin nhắn: “Con về gấp. Ba ốm nặng”.

MINH HỌA: TUẤN ANH
MINH HỌA: TUẤN ANH



Vừa thấy tôi, ba tôi gạt tấm mền, lồm cồm ngồi dậy. Ba tôi là một doanh nhân có tiếng ở tỉnh. Nhìn ông, nếu không ai giới thiệu, người lạ sẽ tưởng ông là nông dân. Ông hay mặc quần soọc kaki, áo thun bạc màu rộng thùng thình. Ông nói: “May quá. Con về coi trang trại một thời gian. Chắc ba già rồi nên hay chóng mặt”.


Ba chở tôi đi thăm trang trại. Đây là nương rẫy của gia đình, ba đã mua thêm đất, mở rộng. Trước kia, nhà tôi lao động cật lực vẫn không đủ ăn. Tay ai cũng thô nhám, cộm vết chai mà vẫn nghèo. Vì thế tôi quyết thoát nghề nông, thề sẽ không bao giờ sống ở nơi này.

Trước mắt tôi, cà phê, tiêu bạt ngàn. Có cả dãy chuồng trại nuôi gia súc. “Chỗ này mình đánh con rắn to bằng cổ tay đó”. “Chỗ này con vác bao mì bị trượt chân, bong gân phải nghỉ học đó”. “Chỗ này…”. “Chỗ này…”. Ba tôi gợi lại bao kỷ niệm nhưng tôi chỉ nhớ mang máng. Cảnh vật đổi thay quá. Bây giờ, tôi đến rẫy bằng ô tô chứ không đi bộ hay xe đạp. Bắp, mì, lúa - những cây trồng gắn bó với tuổi thơ tôi không thấy nữa. Ba tôi giải thích: “Giờ trồng cây công nghiệp, biến sản phẩm thành hàng hóa mới giàu được con ạ”. Tới khoảng đất trống, ba tôi dừng lại. Tôi ngạc nhiên thấy người làm đều là người dân tộc tại chỗ. Họ gật đầu chào. Nụ cười tõn tẽn, nước da nâu sẫm. Có người đã cà hết dãy răng hàm trên, trông ngồ ngộ. Ba tôi hỏi: “Mọi người làm đến đâu rồi”? Nhìn những cái hố nông toen hoẻn, ba tôi kêu: “Chưa được! Chưa được! Phải 60 phân mà”. “Mình không hiểu 60 phân là thế nào đâu”.


Những nụ cười tõn tẽn đầy vẻ ngượng ngập thay sự thú nhận. Ba tôi liền cầm cuốc cuốc một cái hố làm mẫu. “Sâu bằng này này. Rộng bằng này này”. Những gương mặt lại nở nụ cười tõn tẽn ra điều đã hiểu. Tôi bảo: “Con chịu ba thật. Ai đời khái niệm 60 phân mà phải giải thích đi giải thích lại!”. “Trình độ văn hóa của họ thấp, chưa từng tiếp xúc với phương thức sản xuất mới, cây trồng mới. Mình phải kiên trì cầm tay chỉ việc thôi con ạ. Họ tốt lắm đó. Trong chiến tranh, họ chính là những cơ sở cách mạng kiên cường”. “Ba định nuôi dưỡng đội quân này sao”? “Không có họ thì lực lượng lao động đâu? Những thanh niên mang danh đầy kiến thức, rành rẽ công nghệ, ngoại ngữ lưu loát có chịu cầm cuốc xẻng không, có chịu về nơi núi rừng làm việc không?”.

Đây chính là lúc tôi dễ bộc lộ suy nghĩ của mình nhất. Tôi nhớ gia đình tôi đã có hai căn nhà ngoài phố cho thuê, một cửa hàng bán sản phẩm tiêu, cà phê ổn định từ lâu. Tôi thủ thỉ: “Ba ơi, nhà mình đủ giàu rồi. Của cải đời con, đời cháu ăn không hết. Ba cũng trở thành doanh nhân như đã mơ ước. Làm gì nữa cho mệt. Con cũng không về đây đâu. Gia đình mình nên chuyển về thành phố. Ba cũng cần nghỉ ngơi tuổi già”. Ba tôi lắc đầu: “Con nhầm. Ba chưa từng nghĩ phải làm giàu nữa, giàu mãi. Ba cũng không đặt ra mục đích phải thu về thêm cho gia đình ta bao nhiêu tiền. Ba chỉ muốn mỗi năm có thể tạo công ăn việc làm cho thêm bao nhiêu người, nâng mức thu nhập lên bao nhiêu để người lao động thoát nghèo bền vững, vươn lên đủ ăn đủ mặc và giàu. Như thế việc làm giàu của mình mới có ý nghĩa con ạ”. “Việc gì ba phải lo cho người dưng”. “Ồ, họ cũng như mình khi xưa. Cũng nghèo vì thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu đủ thứ. Giờ mình đi trước, có điều kiện hơn thì cũng phải biết nhìn xuống, tự thấy xót xa mà thương họ nhiều hơn chứ”. Quan điểm của ba và tôi thường chỏi nhau. Đụng đến lại gây tranh cãi nên tôi im. Ba tôi nói: “Giờ ba đưa con tới làng. Con nên biết đời sống của những người làm công cho mình như thế nào”.

Làng đồng bào cách trang trại không xa. Có chừng hơn hai chục nóc nhà nằm thưa thớt dưới chân đồi. Nhà nào cũng rộng khoảng 50 m2, lợp mái tôn, vách ván, nền tráng xi măng. Trước kia đồng bào ở nhà sàn, sâu trong núi. Theo chủ trương định canh định cư, làng đã dời về đây. Nhà nào cũng na ná như nhau. Đồ đạc chẳng có gì giá trị: Vài bộ quần áo cũ kỹ vắt trên dây, một ít bắp giống, ba, bốn cái nồi đen sì úp/treo/để xung quanh bếp lửa. Nhà kha khá một chút có thêm vài ghè rượu xếp dọc tường. Trước cuộc sống nghèo nàn, đơn giản, cảm giác muốn cưu mang, giúp đỡ như một cơn gió nhẹ chợt len lỏi trong lòng tôi.


 

 MINH HỌA: TUẤN ANH
MINH HỌA: TUẤN ANH


Ban ngày tôi quanh quẩn khắp vườn cây. Hết việc nọ đến việc kia, từ sáng đến chiều, từ ngày này sang ngày khác. Tôi chỉ cho người làm cách tỉa bớt những cành già, cành yếu, biết bỏ lượng phân bón bao nhiêu vào mỗi gốc cây. Công việc xoay vần lại tới mùa làm cỏ, phun thuốc trừ sâu… Cũng như ba tôi, có việc rất đơn giản tôi phải giảng đi giảng lại, mệt muốn đứt hơi. Có lúc chính tay tôi làm mẫu, thực hiện nhiều lần người làm mới làm được đúng ý. Đôi lúc tôi mệt mỏi rã rượi, ngồi thừ ra, mặc dàn tưới tự động phun nước ướt đẫm cả mặt mũi, áo quần. Tối về, tôi không sao chợp mắt ngay được. Ban đêm ở miền rừng thường lạnh. Bóng đêm đen kịt bao phủ khắp nơi. Phía xa thỉnh thoảng rộ lên tiếng gà, heo, bò, dê… Tôi nhớ âm thanh thành phố náo nhiệt, nhớ người yêu, thầm nghĩ không biết mấy tháng nữa mới trở lại nơi ấy. Ba tôi cựa mình hỏi: “Nhớ Sài Gòn hả”? Tôi bảo: “Ở đây tĩnh lặng quá. Nghe được cả tiếng lá rơi. Ba định ở mãi nơi này sao?”. “Thời nay cha mẹ có quyền lựa chọn à? Thôi ngủ đi, chuyện đó tính sau”.

Ngày tháng cứ trôi, tôi bị cuốn vào công việc lúc nào không hay. Nhìn những người làm tự tay be bồn, bón phân, tỉa cành… không cần có tôi kèm bên cạnh nữa, lòng tôi vui. Tôi chụp những chùm hoa cà phê trắng muốt, những nhánh tiêu trĩu hạt, những triền đồi xanh thắm sắc lá gửi cho nàng. Tôi muốn chia sẻ với nàng không gian thiên nhiên thoáng đãng, mùi hoa thơm dịu dàng, tiếng gió khua vòm lá lao xao… Những lúc ấy, tâm trí tôi chẳng còn hình ảnh chung cư cao ngất, dòng âm thanh ầm ì suốt đêm ngày, giờ phút bị kẹt xe khói bụi xộc vào cay cay mũi. Chỉ còn khuôn mặt thân yêu của nàng hiển hiện.

Một buổi trưa, tôi vừa bước vào nhà đã thấy ba tôi chờ trước cửa. Ông không nằm trên giường, trùm chăn, ho sù sụ mà tiến lại, túm cổ áo tôi, chỉ vào bao hạt đu đủ khô. Giọng ba tôi lạc đi: “Nói! Có phải mày đem thứ này trộn vào tiêu không?”. “Các nơi thu mua nông sản đều làm thế ba ạ”. “Bốp”. Ba tôi dang thẳng tay tát vào mặt tôi. Mắt tôi hoa lên, má đau rát. Tôi ngã dúi dụi xuống nền nhà. Ba tôi vơ luôn bộ ly tách trên bàn đập mạnh xuống đất như vẫn chưa hả giận. Ông hét: “Mất dạy! Mày học thói lừa lọc ở thành phố đem về đây hả? Bao năm, bao công sức xây dựng uy tín đã bị trò lưu manh của mày đạp đổ trong chớp mắt.

Mày giết tao cho rồi”! Ba tôi lấy chiếc roi mây ra. Năm xưa tôi không chịu đi học, ba đã đánh tôi tứa máu bằng chiếc roi này. Giờ ông vừa giơ roi lên thì đã thở hổn hển, nằm vật xuống giường, sùi bọt mép. Mẹ tôi mếu máo vừa khóc vừa van: “Ông ơi, ông bớt giận. Con nó trẻ người non dạ, ông tha cho nó. Cũng tại tôi nuông chiều nó đây mà”. Mẹ quay sang tôi: “Ba giả vờ ốm để con về, thử cho con làm quen công việc. Giờ con làm ông ấy ốm thật rồi”. Quả thật chân tay ba tôi xuội lơ, suốt ngày nằm thiêm thiếp. Mỗi lần ba ăn, tôi phải đỡ dậy để mẹ tôi đút từng muỗng cháo. Nghe tin ông ốm, dân làng kéo đến chật nhà mang theo gà, gạo, bắp, khoai lang, chuối chín... “Mong ông ăn được để khỏe”. Mẹ tôi giãy nảy: “Nhà tôi đầy heo, đầy gà kia, có thiếu gì đâu? Mọi người đem về đi! Đem về”. Ai cũng lắc đầu: “Không được. Đây là tình mà. Bà không nhận, chúng tôi cứ ở đây”.

Mùa thu hoạch xong cũng là lúc tôi đã biết hết việc ở trang trại. Ba đưa cho tôi vé máy bay đi Sài Gòn, bảo: “Giờ con tùy ý chọn việc làm, nơi ở mà con thích. Ba không ép”. “Vâng, ba để con suy nghĩ thêm”. Tôi nhớ nàng, nhớ mùi nước hoa thơm phức mỗi khi nàng đi qua, nhớ gương mặt tươi như hoa khi tôi dẫn nàng đến ăn ở những nhà hàng sang trọng, mua cho nàng trang phục đắt tiền. Nàng liên tục lên đời điện thoại bởi bạn bè toàn xài hàng hiệu.

Nàng sẽ bị coi thường nếu dùng những đồ vật thua kém. Người như nàng sao có thể về nơi đầy đất, đầy nắng như ở đây, sao chịu được những đêm nghe được cả tiếng lá rơi. Tôi biết nàng thật phù phiếm nhưng ai lý giải được tình yêu, ai không đau khi người yêu lìa bỏ? Tôi hỏi ba, giọng run run: “Mẹ có phải là mối tình đầu của ba không?”. Ba đặt tay lên vai tôi, giọng trầm hẳn: “Không con ạ. Mối tình đầu… xót xa mãi. Nhưng cái mình cần là tình yêu bền vững. Người ấy có dám chia sẻ với mình tất cả khó khăn trong cuộc đời không. Con đừng quá đau khổ, đừng quá tiếc nuối khi dứt bỏ một thứ gì đó mà thực ra nó không thuộc về mình”.

Tôi xé vé máy bay. “Con quyết định rồi à?”. Tôi gật. Ba tôi cười rạng rỡ. Trong mắt như có đốm nắng nhảy nhót. Ba mở tiệc mời dân làng đến uống rượu, ăn mừng, giới thiệu tôi: “Chủ nhân mới”. Cồng chiêng ngân vang suốt ngày đêm. Lần đầu tiên giấc ngủ đến với tôi thật nhẹ nhàng. Tôi mơ thấy mình hóa thành cây xanh. Càng lúc rễ càng cắm sâu, tán càng vươn rộng trên chính mảnh đất tôi biết chắc chắn là của đời mình.

Truyện ngắn của Thu Loan
(Dẫn nguồn thanhnien)

 

Có thể bạn quan tâm