Xã hội

Đời sống

Đất nghèo “thay áo mới”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Gia Lai đã xây dựng nhiều vùng kinh tế mới. Dưới bàn tay lao động cần cù cùng nghị lực của những con người đến từ mọi miền Tổ quốc, trên vùng đất mới nghèo nàn, lạc hậu ngày nào giờ đã hiển hiện cuộc sống ấm no, giàu đẹp.

Vượt khó để làm giàu

Năm 1976, ông Lê Phước Tuấn từ huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào lập nghiệp ở thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê. “Thời điểm đó, tôi cùng với hơn 100 hộ dân trong làng là những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Đập vào mắt chúng tôi là rừng núi hoang vu, đường vào xã chỉ là con đường đất đỏ nhỏ bụi mù vừa làm tạm. Các hộ dân được bố trí ở tại những căn nhà dựng tạm và được chu cấp lương thực trong vòng 6 tháng. Cuộc sống những năm đầu ở đây vô cùng cực khổ, ăn không đủ no, đau ốm không có thuốc men, nơi chữa trị, nhất là bệnh sốt rét thường xuyên hoành hành. Nhiều người không trụ lại được phải quay về quê cũ”-ông Tuấn nhớ lại.

Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, những người con của cố đô Huế như ông Tuấn đã cần cù lao động, biến vùng đất hoang vu thành vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả xanh tốt. Đời sống bà con nơi đây bắt đầu đổi thay nhanh chóng cùng với công cuộc đổi mới đất nước. Những cây trồng ngắn ngày như lúa rẫy, bắp, mì, đậu dần được thay bằng cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả… Ông Tuấn phấn khởi nói: “Năm 1987, tôi cùng 6 người dân trong xã tiên phong vào huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để học hỏi kinh nghiệm và mua giống hồ tiêu về trồng. Từ 100 trụ hồ tiêu ban đầu, gia đình tôi từng bước mở rộng lên hàng chục ngàn trụ. Chỉ trong vòng mấy năm, tôi không những có tiền xây nhà lầu, sắm xe hơi mà còn cho các con xây nhà, đầu tư làm ăn”.

Trên vùng kinh tế mới, gia đình ông Lê Phước Tuấn (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã có cuộc sống đủ đầy với nhà lầu, xe hơi. Ảnh: Quang Tấn

Trên vùng kinh tế mới, gia đình ông Lê Phước Tuấn (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đã có cuộc sống đủ đầy với nhà lầu, xe hơi. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Tuấn, cây hồ tiêu đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Ia Blang như hôm nay. Đồng quan điểm, ông Châu Văn Phương-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Blang, người con của quê hương Bình Định lên đây lập nghiệp từ năm 1977-cho biết: “Thời hoàng kim, cây hồ tiêu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn Ia Blang, đời sống người dân tương đối đủ đầy. Sau “cơn bạo bệnh” của cây hồ tiêu, dù đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng bà con cũng từng bước vượt qua nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Người dân bây giờ không độc canh mà xen canh nhiều loại cây trồng, vừa tránh được rủi ro, vừa mang lại thu nhập ổn định hơn”.

Tháng 10-1976, hưởng ứng chủ trương của Thị ủy Pleiku (nay là Thành ủy Pleiku), các hộ dân thuộc 2 phường Hoa Lư và Diên Hồng chuyển ra xã Trà Đa lập nghiệp, gây dựng điểm kinh tế mới. Nhớ lại những ngày đầu rời nội thị Pleiku ra vùng đất mới lập nghiệp, ông Hồ Văn (thôn 3) không khỏi bùi ngùi: “Lúc mới ra đây, chúng tôi được cấp đất làm nhà tạm để ở. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, điện-đường-trường-trạm gần như chưa được đầu tư. Hầu hết người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu vốn, kỹ thuật canh tác hạn chế, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết… nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Với sự nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, bộ mặt xã Trà Đa hôm nay thay đổi rất lớn, đời sống người dân được nâng cao. Riêng với gia đình tôi, các con được học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định”.

Vun đắp cho quê hương thứ 2

Vùng đất mới Ia Blang đã cưu mang, đùm bọc và mang lại cuộc sống đủ đầy cho 4 thế hệ của gia đình ông Tuấn trong suốt 47 năm qua. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Tuấn, ông Phương hay những người con của Bình Định, cố đô Huế còn chung tay tạo nên một cộng đồng đoàn kết, góp công sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Ông Tuấn chia sẻ: “Nhìn lại, việc lên vùng đất Ia Blang lập nghiệp là quyết định đúng đắn đối với cá nhân tôi. Vùng đất này đã cưu mang, giúp tôi nuôi dạy 8 người con khôn lớn và tất cả đều có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Chính vì vậy, gia đình tôi luôn đi đầu trong các phong trào mà xã phát động như hiến đất, đóng góp tiền làm đường… Bên cạnh đó, tôi cũng không ngại chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con địa phương với mong muốn xây dựng quê hương thứ 2 ngày càng giàu đẹp”.

Nông thôn mới vùng kinh tế mới Ia Blang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn

Nông thôn mới vùng kinh tế mới Ia Blang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn

Nhờ vậy, Ia Blang hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới khang trang, sạch đẹp hơn. Tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện; 85% đường trục chính nội làng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,15%...

Ông Đặng Ngọc Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang-cho hay: “Thời gian tới, xã tập trung củng cố và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong đó, xã sẽ chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân, nhất là người dân tộc thiểu số triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của người dân và mang lại thu nhập cao. Tập trung vận động người dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội để liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo các chuỗi giá trị nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Diện mạo Trà Đa hôm nay cũng thay đổi nhanh chóng, kinh tế-xã hội phát triển vượt bậc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 100% tuyến đường chính ở các thôn và trên 75% tuyến đường nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Các tuyến đường trung tâm được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh; có công viên, sân vận động phục vụ nhu cầu thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ của người dân. Từ khu kinh tế mới nghèo nàn, lạc hậu, làm không đủ ăn, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Trà Đa đã đạt 45 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã Trà Đa-cho biết: “Xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, chú trọng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ngành thương mại-dịch vụ nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống cũng như thu nhập cho người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây-con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi theo mô hình trang trại, an toàn sinh học gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Trà Đa lên phường, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo”.

Có thể bạn quan tâm