Xã hội

"Đất nở hoa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân xã Hòa Phú (huyện Chư Păh) không chỉ đối mặt với nạn đói, ẩn họa từ bom mìn sót lại sau chiến tranh mà còn bị bọn phản động FULRO phá hoại. Sau khi tiêu diệt đám tàn quân phản động, màu xanh ngút ngàn của các loại cây trồng đã phủ lên đất này dáng vẻ của sự ấm no, trù phú.
Từ “điểm nóng” FULRO
Nhìn những đứa trẻ tung tăng cắp sách đến trường trên con đường bê tông phẳng lì, hai bên đường là những khóm hoa khoe sắc, có thể cảm nhận rõ ngày mới ở Hòa Phú thật yên ả, thanh bình và tràn đầy những thanh âm cuộc sống. Nhắc nhớ câu chuyện quá khứ, ông Trần Văn Năm-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú-kể lại: Một năm sau ngày giải phóng, thị xã Pleiku thực hiện chủ trương giãn dân, đi kinh tế mới. Gần 3.000 người dân các phường: Hoa Lư, Hội Thương, Yên Đổ, Hội Phú… chuyển đến sinh sống cùng với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Ia Lu (nay là xã Hòa Phú). Các hộ dân được bố trí dọc theo quốc lộ 14. “Những ngày đầu, người dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người không may chết do bom mìn sót lại sau chiến tranh khi khai khẩn đất hoang hoặc bị bọn FULRO giết hại. Quá lo sợ, ban ngày, người dân tổ chức lao động sản xuất ở đây nhưng tối thì về lại Pleiku. Có người cho rằng không thể bám trụ lâu dài ở đất này được”-ông Năm trầm ngâm nói.
Những đứa trẻ làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) đến trường. Ảnh: Minh Nguyễn
Những đứa trẻ làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) đến trường. Ảnh: Minh Nguyễn
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm cạnh quốc lộ 14, ông Huỳnh Văn Phúc-nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Phú-nhớ lại: Trước kia, khi còn là Xã đội trưởng, ông đã nhiều lần theo chân các đoàn truy quét FULRO. Đến giờ, ông vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại cảnh người dân bị bắn chết, những ngôi làng bị đốt phá không thương tiếc. Có gia đình bị FULRO nhẫn tâm sát hại không sót một người. Chiến tranh đã qua đi nhưng cảnh tang thương vẫn tiếp diễn. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các tổ chức phản động FULRO, tiếp đó là “Tin lành Đê ga” đã từng bước bị xóa sổ. Từ đó, cuộc sống của những người đi khai hoang, mở đất mới ổn định. Cảnh thanh bình, no đủ dần hiện hữu ở Hòa Phú.
Điểm sáng nông thôn mới
Chúng tôi ghé thăm Hreng-ngôi làng vừa được UBND huyện Chư Păh trao bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đưa mắt nhìn khắp làng, Bí thư Chi bộ Rơ Chăm Nhing phấn khởi cho hay: Hreng có 267 hộ nhưng hiện chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm 4,86%), thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Đây quả là con số “đáng nể” ở một làng dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh, đường giao thông trong làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa; nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn. Làng không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt hơn 95,4%...
Nhắc lại chuyện cũ, Bí thư Chi bộ làng Hreng thừa nhận: Nơi đây từng là “điểm nóng” về FULRO. Tuy vậy, đến nay, những đối tượng xúi giục, mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc đã nhận thức được lỗi lầm, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Điển hình là anh Hyan. Sau khi được cảm hóa, hiểu rõ phải trái, anh Hyan đã chăm chỉ làm ăn, trở thành hộ khá giả trong làng. Với 3 ha điều, mì, bời lời cộng với 7 sào lúa, mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như hôm nay là bởi mình đã hiểu ra, quyết không nghe theo lời bọn xấu xúi giục nữa”-anh Hyan tâm sự.
Quốc lộ 14, đoạn qua thôn 4, xã Hòa Phú tấp nập hàng quán
Quốc lộ 14, đoạn qua thôn 4 (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) tấp nập hàng quán. Ảnh: Minh Nguyễn
Sau 46 năm, vùng đất hoang vu, đầy rẫy những tàn tích chiến tranh và nạn FULRO hoành hành ngày nào, giờ đã hồi sinh. Dọc quốc lộ 14, nhà cửa san sát hình thành những khu dân cư sầm uất, đặc biệt là thôn 4. Công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh; lúa và các loại cây trồng chủ lực khác cũng lên xanh. “Đất không phụ người”, xã Hòa Phú nay đã trở thành điểm sáng của huyện Chư Păh. Hiện tại, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, số hộ giàu liên tục tăng. Toàn xã có 1.659 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,41%.
Ông Nguyễn Thành Long-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú-khẳng định: Một trong những yếu tố quan trọng tạo tiền đề vững chắc để Hòa Phú phát triển bền vững là cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn chú trọng triển khai quyết liệt công tác đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm các đối tượng phản động. “Những đối tượng từng nhẹ dạ cả tin nghe theo bọn xấu đã dần được cảm hóa, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người dân đang chung sức đồng lòng thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi thực lòng biết ơn những người đã kiên cường bám trụ mở đất, chịu bao gian lao, vất vả để khiến “đất nở hoa”, biến Hòa Phú trở thành miền quê trù phú, thanh bình”-ông Nguyễn Thành Long chia sẻ.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm