Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đất nước tôi, vẫn đẹp như thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên khung cửa, bất chợt vang lên bản nhạc “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” với những ca từ lay động lòng người: “Triệu người ngày đêm đang cố gắng, một vòng tay nối trọn Việt Nam. Yêu thương cuộc đời, tin nơi con người. Đừng sợ nhé, chúng ta vượt qua hết”. Tự nhủ thầm, chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Đất nước tôi, muôn đời vẫn đẹp như thế.
Sáng mùa mưa, những cơn mưa nặng hạt trút xuống, bầu trời xầm xì không le lói một chút sáng báo hiệu trời sẽ có nắng, hai bên đường hàng cây mưa xô ràn rạt, trên cao vòm lá nghiêng ngả. Đường phố nay cũng vắng hơn, im lìm hơn, bớt những tiếng còi xe inh ỏi, không thấy xe ô tô lao vút, xé nước ướt sũng người đi cạnh nữa. Nhịp sống chậm trôi, một mình giữa lòng phố rộng hơn mọi ngày, bỗng thấy nhớ khẽ những ngày tấp nập hôm nào. Chợ nhỏ trong phố cũng im lìm, dường như người mua nhanh hơn, người bán nhẹ nhàng hơn, chợ bớt đi tiếng ồn ào, rộn ràng, nhưng sâu trong ánh mắt, ai cũng hiểu, mỗi người đều đang cố gắng để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. 
Ghé vào quán mua xôi và ly cà phê buổi sáng, chầm chậm đứng xếp hàng chờ tới lượt, cũng lạ không thấy ai phàn nàn, biển hiệu “bán mang về” trở thành “hot trend” mùa dịch, nhìn cũng thấy vui mắt. “Mậu dịch” giữa thời 4.0 là có thật, xếp chỗ mua hàng, nhận phiếu ra ngoài, nhận phiếu đi chợ... ai cũng đợi tới lượt mình, ai cũng cố gắng chấp hành nghiêm chỉnh, một người vì mọi người, hình như với mỗi người “trách nhiệm” đã trở thành tự giác trong suy nghĩ của mỗi cá nhân, bởi tuyến đầu kia, bao nhiêu bác sĩ, công an, bộ đội... đang oằn mình chống dịch không phút nghỉ ngơi, ai cũng thấm mệt rồi, triệu lời tri ân còn chẳng đáng, đợi chờ một chút có nghĩa gì. Trong lòng cứ khẽ vang vang câu hát nghe được ở đâu đó “Cảm ơn áo trắng, áo xanh trên những chặng đường, cảm ơn người mãi biết dấn thân vì cộng đồng thân ái...”. 
Lướt một vòng Facebook, đâu đâu cũng thấy những tấm lòng sẻ chia, góp sức, giàu nghèo đã không còn khoảng cách, tất cả chỉ thấm đầy tình yêu thương, thân ái được trao đi. Một bó rau, một quả bí, một thùng mì gửi từ miền Bắc xa xôi... một hộp cá khô, một lọ nước mắm, củ hành của những nơi nghèo khó nhất... một bà mẹ đơn thân đi đôi dép tổ ong âm thầm phát tặng những tờ 500 ngàn đồng cho người tha hương trở về quê mẹ, những cụ bà nuôi con khuyết tật hay tuổi đã 100 dành hết tiền tiết kiệm... sẵn lòng chung tay chia sẻ với miền Nam thân yêu. Những hình ảnh nhân ái, những dòng tin đồng cảm, những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa... dải đất hình chữ S của tôi những ngày này sao niềm yêu tha thiết, mưa lạnh, mà ấm tình.
Ảnh minh họa: SAM
Minh họa: SAM
Thoáng đâu đó, nhìn mấy đứa trẻ xót lòng lắm, nhưng lại tin rằng, trong thế hệ con trẻ hôm nay, khi Tổ quốc cần có rất nhiều đứa trẻ sẽ tự mình lớn lên. Bởi ba mẹ em xung phong đi tuyến đầu chống dịch, nên giờ “hậu phương vững chắc” chính là các em. Các em tự ăn ngoan, tự ngủ ngoan, những nét chữ nguệch ngoạc tập viết nhắn gửi ba, mẹ... chính là động lực để “tiền tuyến” yên tâm cống hiến, đợi ngày thắng dịch trở về bên con. Có những đứa trẻ bỗng một ngày thành F0, nhìn dáng hình nhỏ bé, liêu xiêu trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, một chút nhói lên trong tim thôi nhưng thấy rắn rỏi biết bao. Em leo lên xe, em vào khu cách ly, em làm quen với người lạ, khóc ré lên mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm rồi tự nín... Tất cả với các em rồi cũng dần quen, các em tập làm người lớn khi không có ba mẹ ở bên một cách dũng cảm nhất. Như ngày xa xưa trong truyền truyết, khi giặc xâm lăng, có cậu bé 3 tuổi tạm biệt cha mẹ, vươn vai lớn dậy, đánh đuổi giặc xong rồi cưỡi ngựa bay về trời gọi là Phù Đổng Thiên Vương. Và hôm nay, trong gian khó, những đứa trẻ bỗng hóa phi thường...
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Lời mệnh lệnh của Đảng, là lời hiệu triệu thiêng liêng để cả nước đồng lòng, nhất định trong cuộc chiến này “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tự hào thay, trong tâm dịch khi đất nước giang tay đón những kiều bào ở phương xa trở về. Để sẻ chia, hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh trong những ngày khốn khó nhất, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai... sẵn sàng hỗ trợ đón công dân về quê hương bình ổn. Từng chuyến hàng của MTTQ, đoàn thể và nhân dân các tỉnh lần lượt nối đuôi nhau, nối cả tình người dài rộng hỗ trợ Sài Gòn, cùng thành phố vượt qua những gam go nhất, trên những chuyến xe mang tấm biển 0 đồng chở nặng tấm lòng của đồng bào cả nước suốt chặng đường Bắc-Nam. 
Theo lời của Đảng, của Chính phủ và tiếng gọi của trái tim, những bác sĩ trẻ với lời thề Hippocrates, sẵn sàng lên đường tăng cường chi viện cho miền Nam, những chiến sĩ Công an tặng xăng, tặng cơm cho người dân qua các điểm chốt kiểm soát với lời chúc ân tình “chúc bà con thượng lộ bình an”, những người lính cụ Hồ vẫn chu toàn đạo lý theo truyền thống dân tộc “nghĩa tử là nghĩa tận” tình nguyện đưa tro cốt, canh gác, nhang khói, hương hoa cho những bệnh nhân không may mất do bệnh dịch, để trong đoạn cuối hành trình của một kiếp người không cô độc và xoa dịu nỗi đau mất mát cho người ở lại, để họ bớt phần day dứt, ăn năn... 
Đại dịch đã gây ra quá nhiều tổn thất cho tất cả chúng ta, cuộc chiến này còn dài, đất nước đang gồng mình từng bước, nhưng cũng là khi tình người, tình yêu nước vẹn tròn to lớn, trách nhiệm của chính quyền được thể hiện đủ đầy nhất để an dân và những giá trị nhân văn lại tỏa sáng ngời. Sức mạnh Việt Nam lại được đánh thức, trỗi dậy, tin vào Đảng, Chính phủ của dân, toàn dân tộc muôn người như một, đoàn kết, kiên cường như truyền thống anh hùng hàng ngàn năm qua, có kẻ thù nào chúng ta sẽ không chiến thắng. 
Bên khung cửa, bất chợt vang lên bản nhạc “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” với những ca từ có sức lay động lòng người: “Triệu người Việt Nam đang cố gắng, một vòng tay nối trọn Việt Nam. Yêu thương cuộc đời, tin nơi con người. Đừng sợ nhé, chúng ta vượt qua hết”. Phố tạnh mưa, trời quang mây, dòng người lại lặng lẽ tan tầm. Tự nhủ thầm, chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Đất nước tôi, muôn đời vẫn đẹp như thế.
PHẠM THỊ NHÂM ANH

Có thể bạn quan tâm