Kinh tế

Doanh nghiệp

Dấu ấn 10 năm trên đất Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 10 năm qua, Công ty TNHH Phát triển Cao su Hoàng Anh Mang Yang K nỗ lực, phấn đấu vượt qua bao gian khó trên vùng biên giới Việt Nam-Campuchia để gầy dựng và phát triển.

Những ngày đầu gian khó

Nhớ lại những ngày đầu tìm đất để triển khai dự án trồng cao su trên vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, ông Lê Đình Bửu-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Ratanakiri, cho biết: Nếu không có sự quan tâm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Campuchia và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân, người lao động thì không có dự án cao su tại xã Phnum Kok (huyện Van Say, tỉnh Ratanakiri) với tổng diện tích 6.891 ha như hôm nay.

 
 Một góc khu vực dự án Công ty đầu tư. Ảnh. Đ.Y
Một góc khu vực dự án Công ty đầu tư. Ảnh. Đ.Y

Vùng đất triển khai dự án có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây cao su. Nhờ đó, cao su phát triển và sinh trưởng rất tốt. Tuy nhiên, những ngày đầu triển khai dự án, Công ty gặp muôn vàn khó khăn. Đó là thiếu nguồn lao động trầm trọng vì Ratanakiri là tỉnh biên giới, mật độ dân cư thưa thớt. Để khắc phục khó khăn, mỗi năm, vào mùa cao điểm trồng mới, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang và Công ty TNHH một thành viên Chư Mo Ray (Kon Tum) đã tăng cường nguồn lao động sang hỗ trợ. Cùng với đó, giống cây cao su, phân bón, hàng hóa... cũng phải chuyển từ Việt Nam sang.

“Công ty đã hoàn thành trồng mới vào năm 2013. Năm 2014, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty đã tiếp nhận, điều hành dự án cao su của Công ty cổ phần Cao su Eahleo BM với diện tích 1.284 ha. Nhờ đó, tổng diện tích của Công ty hiện nay tăng lên 7.848 ha. Hiện nay, Công ty có gần 600 cán bộ, công nhân, người lao động, với 3 nông trường, 1 đội sản xuất, 1 nhà máy chế biến mủ công suất 5.000 tấn/năm”-ông Trương Minh Tiến-Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Cao su Hoàng Anh Mang Yang K, nói.

Tăng cường hợp tác, đoàn kết, hữu nghị

Dạo một vòng quanh vườn cây kiến thiết cơ bản của Công ty, trước mắt là màu xanh ngút ngàn của cao su. Trên thực tế, cây cao su đã làm thay đổi vùng đất này, thay đổi cả cuộc sống của những con người nơi đây. “Cứ tưởng chỉ làm ở đây vài năm,  không ngờ tôi đã gắn bó ở mảnh đất này gần 8 năm rồi và còn lấy vợ người Campuchia nữa”-anh Hoàng Đình Tuấn-Tổ trưởng tổ 2, Nông trường 2, tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hướng-Kế toán trưởng Công ty, cho hay: “Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá diện tích vườn cây cao su của Công ty phát triển khá đồng đều. Khoảng 2 năm nữa, tất cả diện tích cao su sẽ cho dòng sản phẩm đầu tiên. Công ty xây dựng nhà máy chế biến mủ không chỉ phục vụ cho mình mà còn nhận gia công và chế biến mủ cho các doanh nghiệp cao su trong vùng”.

Ngoài việc phát triển cây cao su, Công ty còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp tỉnh bạn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia. “Tính đến cuối năm 2016, Công ty đã đầu tư xây dựng 417 nhà ở cho công nhân; 217 km đường giao thông, cầu cống; 1 trung tâm y tế với 12 y-bác sĩ và hệ thống trang-thiết bị hiện đại; 1 trường tiểu học, 1 ngôi chùa, 1 thư viện trường cấp I và II trong khu vực dự án... Tổng kinh phí phục vụ an sinh xã hội lên đến 2 triệu USD. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án trên 64 triệu USD”-ông Tiến cho biết thêm. Để phát triển lâu dài, Công ty còn xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể theo đúng pháp luật 2 nước và thành lập tổ chức Công đoàn với gần 400 đoàn viên.

Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty, ông Thong Sa Vun-Tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri, khẳng định: Công ty TNHH Phát triển Cao su Hoàng Anh Mang Yang K đã triển khai dự án một cách có hiệu quả. Dự án đã góp phần cải thiện đời sống người dân Campuchia. Điều này góp phần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm