Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Dấu ấn công tác hậu cần trên vùng biên giới Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với hơn 10 năm về trước, công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội trên tuyến biên giới Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa bàn trọng điểm dịch sốt rét và các loại bệnh về đường tiêu hóa đã được loại bỏ, đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện, nâng cao. “Thực túc binh cường”, rõ ràng việc bảo đảm công tác hậu cần chính là tiền đề quan trọng nhất để cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng bám trụ vững vàng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quân khỏe...

Có thể nói, việc bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe nhiều năm liên tục ở các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đến từ nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên nhìn ở đâu cũng thấy “bóng dáng” của công tác hậu cần, từ nơi ăn chốn ở đến việc khắc chế điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt và cuối cùng là khâu kiểm tra sức khỏe, khám-chữa bệnh định kỳ cho bộ đội.

 

Vườn rau xanh chất lượng cao ở Đồn Biên phòng Ia Nan. Ảnh: T.K.N
Vườn rau xanh chất lượng cao ở Đồn Biên phòng Ia Nan. Ảnh: T.K.N

Trung tá Đào Sỹ Hào-Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP tỉnh, cho biết: “Mặc dù một số đơn vị đang triển khai xây dựng khu doanh trại mới, song chúng tôi vẫn bảo đảm tốt nhất điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, công tác cho anh em.

Các đơn vị đóng quân trên khu vực có nguồn nước không đạt tiêu chuẩn đã được trang bị đầy đủ bồn, bể chứa nước, vừa  bảo đảm an toàn vệ sinh, vừa sẵn sàng ứng phó với tình trạng thiên tai hạn hán kéo dài. Cũng chính nhờ đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất và thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nên đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hàng năm, tỷ lệ quân số khỏe trong BĐBP tỉnh luôn đạt từ 98,5% trở lên...”.

Một trong những điểm sáng về công tác hậu cần của BĐBP tỉnh là việc duy trì và phát triển mô hình VAC-R để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, phục vụ đời sống và công tác.

Từ nguồn quỹ đất do địa phương bố trí, các đơn vị đã trồng được 85,5 ha cao su, 18 ha điều, 10 ha cà phê, 20 ha cây màu ngắn ngày. Kết hợp với việc duy trì thường xuyên mô hình vườn rau xanh chất lượng cao, đàn gia súc (bò, heo) 150-200 con và gần 300 con gia cầm trên mỗi đơn vị đã góp phần tăng giá trị sản xuất, giúp các đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Chia sẻ với chúng tôi về vai trò quan trọng của công tác hậu cần, Thượng tá Phan Đình Thành-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan, cho rằng, đó chính là “nguồn dinh dưỡng” để nuôi sống cơ thể và là lợi thế rất lớn nếu trách nhiệm của người chỉ huy luôn được đề cao.

Ở Đồn Biên phòng Ia Nan, nhờ nguồn thu từ tăng gia sản xuất, đơn vị đã xây dựng được một số công trình phục vụ đời sống công tác cho bộ đội như: nhà ăn, khu sinh hoạt văn hóa thể thao, học tập, huấn luyện... Đây đều là những công trình không thể thiếu đối với một đơn vị quân đội.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, hơn chục năm về trước, Đồn Biên phòng Ia Nan đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 5 ha cao su xung quanh đơn vị.

Loại cây dài ngày này giờ đã cho “quả ngọt”, mặc dù giá cả không được như ý nhưng hàng tháng sau khi trừ các khoản chi phí cũng bổ sung vào nguồn quỹ của đơn vị trên 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với những gì đang có, sau khi về nhận nhiệm vụ Đồn trưởng, Thượng tá Phan Đình Thành cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung đầu tư nâng cấp chuồng trại chăn nuôi để phát triển đàn gia súc, gia cầm, cải tạo, mở rộng vườn rau xanh, vườn thuốc Nam phục vụ nhu cầu hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ.

Đất không phụ công người, chỉ sau một thời gian ngắn, quy mô đàn gia súc ở Đồn Biên phòng Ia Nan tăng lên gần 200 con, vừa tạo ra nguồn thu nhập lớn cho đơn vị, vừa bảo đảm lượng phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt. Kết hợp với việc duy trì diện tích trồng các loại cây nông sản ngắn ngày khác, rõ ràng chỉ tiêu 150 triệu đồng/năm từ tăng gia sản xuất do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao nhẹ như một... giấc ngủ trưa. Làm ra sản phẩm và được thụ hưởng chính sản phẩm mình làm ra là cách động viên, “thổi lửa” vào phong trào đẩy mạnh công tác hậu cần tại chỗ ở Đồn Biên phòng Ia Nan.

Dân cũng khỏe

Dấu ấn công tác hậu cần trên biên giới tỉnh Gia Lai còn được thể hiện đậm nét trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngoài việc duy trì mô hình “quân dân y kết hợp” ở 5/7 xã biên giới, các địa bàn còn lại vẫn thường xuyên có lực lượng quân y của các đồn biên phòng tăng cường hỗ trợ cho công tác y tế.

 

Thượng tá Nguyễn Đặng Hùng-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: “Tùy từng thời điểm và yêu cầu thực tế ở địa bàn, chúng tôi tăng cường lực lượng quân y về các thôn, làng để khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con. Riêng năm 2017, BĐBP tỉnh đã tổ chức 2 đợt trợ giúp y tế cho hơn 1.000 lượt người dân trên địa bàn; phối hợp với quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sang khám, cấp thuốc cho hơn 1.600 lượt người ở xã Bó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Kết hợp với hoạt động của phòng khám quân dân y kết hợp, hàng năm đã có trên 5.000 lượt người dân được chúng tôi hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe. Đây là đóng góp rất lớn của BĐBP tỉnh đối với địa phương, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh...”.

Sự đồng hành của những người thầy thuốc “quân hàm xanh” với các chủ nhân vùng biên giới không chỉ thể hiện ở những con số mà họ còn hòa vào hơi thở cuộc sống nơi buôn làng bằng những việc làm rất thiết thực.

Thiếu tá Nguyễn Văn Giang-y sĩ tăng cường cho phòng khám quân dân y kết hợp xã Ia Púch (huyện Chư Prông) chia sẻ với chúng tôi rằng, bên cạnh rất nhiều ca tham gia sơ cứu ban đầu do tai nạn, còn có những bệnh nhân đặc biệt được anh chăm sóc suốt gần chục năm nay.

Ông Kpă Hlô ở làng Gòng là một trong số đó. Cách đây hơn 10 năm, bệnh nhân này bị tai biến nhẹ, suốt ngày cứ “một chấm, một phẩy” khắp làng. Thương cho người dân nghèo lại mắc phải căn bệnh nan y, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang thường xuyên “đến tận nhà, ra tận rẫy” để chăm sóc sức khỏe. Lâu dần thành quen, những lúc “trái gió trở trời” là y như rằng: “Mình lại đến thăm Giang để nhờ nó giúp đỡ”-ông Kpă Hlô bộc bạch với chúng tôi như thế.

Hay mới đây nhất, cũng ở làng Gòng, có trường hợp ông Siu Héc-Trưởng thôn bị sốt rét ác tính nằm co giật trên rẫy. Rất may, sau khi được quân y Đồn Biên phòng Ia Púch và bà con đưa lên tuyến trên cấp cứu kịp thời nên giờ đây sức khỏe của  ông đã dần ổn định...

Nhờ những cống hiến không có giới hạn ấy của những người lính làm công tác quân y mà người dân ở những thôn làng biên giới xa xôi nhất đã có thể tìm được cho mình một chỗ dựa vững chắc nhất khi gặp phải những chuyện ngoài ý muốn.

Quân khỏe và dân cũng khỏe chính là dấu ấn đậm nét nhất trong công tác hậu cần của BĐBP trên tuyến biên giới của tỉnh. Bằng sự trải nghiệm thực tế, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của mỗi người lính, chắc chắn hiệu quả của công tác hậu cần ở đây sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Thái Kim Nga

Có thể bạn quan tâm