Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Dấu ấn của Đoàn Đồng Bằng trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua hơn 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) đã in dấu chân trên khắp chiều dài đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Bất cứ ở nơi đâu, làm việc gì, đơn vị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Huấn luyện sát với thực tế chiến đấu

Là đơn vị chủ lực của Quân đoàn 3, Sư đoàn 320 xác định huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm trong thời bình, là cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Chính vì thế, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến và vũ khí trang bị hiện có.

Để bộ đội tác chiến tốt trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, đơn vị thường xuyên tổ chức hành quân xa, mang vác nặng. Đặc biệt, đơn vị tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện chiến thuật để bộ đội biết cách phòng tránh, đánh trả địch hiệu quả. Hàng năm, kiểm tra các nội dung, 100% đạt yêu cầu, 80% trở lên đạt khá và giỏi. Nhiều năm liền, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Sư đoàn 320 huấn luyện xe tăng vượt sông. Ảnh: Thiên Thanh

Sư đoàn 320 huấn luyện xe tăng vượt sông. Ảnh: Thiên Thanh

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sau giờ huấn luyện, Trung sĩ Lê Văn Tiến-nhân viên báo vụ của Đại đội 1 (Tiểu đoàn Thông tin 18) cho biết: “Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống hào hùng của đơn vị. Nhưng điều này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề là phải làm sao để xứng đáng với truyền thống của thế hệ cha anh. Chính vì thế, anh em trong đơn vị luôn đoàn kết giúp đỡ nhau, khắc phục mọi khó khăn để huấn luyện tốt. Chúng tôi cũng xác định huấn luyện giỏi, rèn luyện thể lực tốt không chỉ giúp bản thân hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao mà sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cũng có thể có nhiều đóng góp cho xã hội”.

Hàng năm, Sư đoàn luôn duy trì quân số huấn luyện đạt trên 99,5%, hoàn thành 100% nội dung huấn luyện, duy trì thường xuyên 2 đại đội huấn luyện tân binh đạt “3 tiếng nổ giỏi”. Năm 2022, Sư đoàn đạt danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Giúp dân là giúp mình

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3, nguyên Chính ủy Sư đoàn 320-cho rằng: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 320 đã anh dũng chiến đấu trên địa bàn Tây Nguyên, được đồng bào các dân tộc ở đây giúp đỡ, che chở. Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào Tây Nguyên thì đơn vị không thể lập nên nhiều chiến công vang dội như thế. Đầu năm 1988, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, Sư đoàn nằm trong đội hình Quân đoàn 3 được lệnh trở lại Tây Nguyên. Từ đó đến nay, đơn vị luôn xác định giúp đỡ người dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ của người lính trong thời bình.

Chính bởi tinh thần ấy, Sư đoàn 320 đã tập trung làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Sư đoàn kết nghĩa với 27 đầu mối địa phương, đơn vị để thực hiện công tác dân vận tại 29 xã, phường thuộc 12 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và Bình Định. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Sư đoàn đã tham gia hơn 3 ngàn ngày công giúp xây dựng nhà ở cho 5 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Gào (TP. Pleiku) và xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ); sửa chữa 3,5 km đường giao thông nông thôn; dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực công cộng, trường học với diện tích trên 50.000 m2; di chuyển 15 ngôi nhà và cải tạo vườn và làm hàng rào cho hơn 100 hộ dân.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 dọn vệ sinh khu dân cư. Ảnh: Thiên Thanh

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 dọn vệ sinh khu dân cư. Ảnh: Thiên Thanh

Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và chủ trương xây dựng các làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sư đoàn thường xuyên cử các đơn vị hành quân dã ngoại kết hợp với giúp đỡ địa phương. Nhiều ngôi làng nông thôn mới ở huyện Phú Thiện, Ia Pa, Kbang mang đậm dấu ấn của những người lính Sư đoàn 320. Việc làm này không chỉ được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương ghi nhận mà còn khắc sâu tình đoàn kết quân-dân.

Chuyển về ở trong ngôi làng mới khang trang, không giấu được niềm vui, anh Siu Pét (làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết: “Trước đây, vì làng ở vùng trũng nên mùa mưa đường khó đi, bị ngập lụt, ẩm thấp, dịch sốt xuất huyết thường xuyên bùng phát. Nhưng từ khi được Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) giúp đỡ di dời nhà về làng mới cao ráo hơn, cuộc sống gia đình tôi và các hộ trong làng đã thay đổi tích cực, không còn sợ dịch bệnh và ngập lụt nữa”.

Là 1 trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Sư đoàn 320 được thành lập ngày 16-1-1951 tại khu rừng Mống Lá, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với mật danh là “Đại đoàn Đồng Bằng”.

Thượng tá Đinh Ngọc Tới-Chính ủy Trung đoàn 48-chia sẻ: Đơn vị đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp xã Chư A Thai di dời hơn 70 căn nhà, hàng trăm chuồng trại chăn nuôi, dựng hàng ngàn trụ và kéo hơn 2 km hàng rào giúp người dân cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, Trung đoàn còn giúp xã Kông Lơng Khơng, Sơn Lang (huyện Kbang) di dời hơn 100 căn nhà, nhiều chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp để ổn định khu dân cư.

Nói về sự giúp đỡ của Sư đoàn 320 đối với địa phương, ông Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: “Chúng tôi luôn ghi nhận những đóng góp của Sư đoàn 320 đối với địa phương. Là đơn vị kết nghĩa nên khi địa phương cần, Sư đoàn đều cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp đỡ. Những việc làm ấy luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn biên giới ghi nhận”.

Đại tá Lê Văn Cương-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320-thông tin: “Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn có hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên khắp mọi miền đất nước. Sư đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 trung đoàn, 9 tiểu đoàn, 5 đại đội và 16 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, Trung đoàn 48 có 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điều đó thể hiện bề dày truyền thống của đơn vị. Chính vì thế, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ngày nay càng ra sức huấn luyện giỏi, nỗ lực giúp đỡ Nhân dân để xứng đáng với truyền thống ấy”.

Có thể bạn quan tâm