Hạn hán ở miền Trung - Tây Nguyên dự báo sẽ rất khốc liệt. Không chỉ nước để sản xuất mà nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng có thể thiếu trầm trọng
Ngày 16-1, ông Võ Anh Kiệt, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, cho biết theo dự báo, năm 2020, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ thiếu nước rất cao. Mưa chủ yếu là những cơn mưa rào rải rác về chiều tối và đêm với lượng không lớn, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài, làm cho lượng nước trong khu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm đến 40%.
Hồ chứa tích không đủ nước
Theo ông Kiệt, lượng mưa trong năm ở vùng đồng bằng chỉ từ 1.000-1.200 mm, vùng núi từ 1.200-1.500 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm đến 400 mm. "Mưa ít cộng với sự thiếu hụt nguồn nước từ năm ngoái nên dòng chảy trên các sông vẫn tiếp tục giảm mạnh. Lượng dòng chảy có khả năng thiếu hụt từ 50%-70% so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, tình hình khô hạn và thiếu nước sẽ xảy ra gay gắt" - ông Kiệt nhận định và đề nghị các tỉnh trong khu vực ngay từ bây giờ cần có biện pháp chống hạn hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Tại khu vực Tây Nguyên, từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay không mưa. Lưu lượng nước về các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 40%-85%, một số con sông thiếu hụt trên 90%. Từ nay đến tháng 7-2010, lượng nước trên các sông dự báo sẽ thiếu hụt lớn. Nhiều sông mực nước sẽ xuống thấp nhất theo chuỗi số liệu quan trắc.
Người dân xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai gùi nước suối về dùng. Ảnh: HOÀNG THANH
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, 19 hồ chứa nước của tỉnh này mới chỉ tích được 188 triệu/250 triệu m3 theo thiết kế, tương đương 76%. Hai hồ chứa nước chính của tỉnh này là Đá Bàn và Cam Ranh đều đạt mực nước rất thấp. Cụ thể, hồ Đá Bàn ở khu vực thị xã Ninh Hòa có sức chứa 75 triệu m3 nước hiện chỉ mới tích được 49 triệu m3. Hồ này bên cạnh phục vụ cấp nước cho sinh hoạt khoảng 5.500 m3/ ngày đêm còn đảm nhiệm nước tưới cho khoảng 7.800 ha lúa 2 vụ và rau màu ở phía Bắc của tỉnh.
Ở phía Nam, hồ chứa nước Cam Ranh có sức chứa 22 triệu m3, hiện nay mới chỉ đạt dưới 65%. Hồ này đảm nhận nhiệm vụ tưới cho khoảng 1.500 ha sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cấp 20.600 m3 nước sinh hoạt/ngày đêm.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho hay lượng nước đang thiếu hụt đến 40% so với cùng kỳ nhiều năm. "Chắc chắn Phú Yên sẽ đối mặt với năm hạn lịch sử rồi. Đợt hạn năm ngoái, 140 năm Phú Yên mới có một lần. Khủng khiếp là vậy nhưng năm nay dự báo sẽ còn hạn hơn năm ngoái" - ông Tùng nói.
Tìm cách chống hạn
Theo ông Tùng, nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi có thể cầm cự được đến cuối vụ đông xuân nhưng đến vụ hè thu sẽ không bảo đảm cho diện tích lúa 2 vụ khoảng 25.000 ha. Vì vậy, tỉnh Phú Yên đang tính đến việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa xa nguồn nước sang cây trồng cạn có sức chịu hạn, đồng thời đã triển khai nạo vét kênh mương để sử dụng tiết kiệm nhất nguồn nước.
Ông Tùng cho biết đang chuẩn bị tổ chức hội thảo quy mô lớn về công tác phòng chống hạn để đối phó với năm hạn lịch sử. Vấn đề đáng lo nhất là nguồn nước sinh hoạt cho người dân sẽ thiếu trầm trọng trong năm nay.
Trong khi đó, tại xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, từ nhiều tháng nay, nguồn nước sinh hoạt cạn khô, người dân phải ra suối lấy nước về dùng. Chị Đinh Kôn (ngụ xã Ayun) sợ lấy nước trực tiếp từ dòng suối không sạch nên đã đào hố nhỏ bên cạnh bờ suối rồi chờ nước rỉ ra mới múc vào hàng chục chai để mang về.
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai sẽ là huyện chịu thiệt hại nặng nề khi hạn hán xảy ra. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện, cho biết trước khi vào mùa vụ đã khuyến cáo người dân chỉ trồng cây ở những diện tích có khả năng có nước tưới. "Tuy nhiên, khả năng đến tháng 2-3 thì nhiều khu vực sẽ thiếu nước tưới trầm trọng" - ông Duyên nói.
Tại tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT, vừa tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND các địa phương, các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Riêng với 2 hồ chứa Đá Bàn và Cam Ranh, đề nghị điều tiết ưu tiên cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Kinh tế UBND TP Cam Ranh, cho rằng để chống hạn, hiện TP cũng đang rà lên phương án sản xuất ưu tiên những cây ngắn ngày chịu hạn. Riêng thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là địa phương từng mất trắng hơn 3.000 ha mía trong năm 2019 do hạn thì năm nay, số diện tích này phải chuyển đổi sang các loại cây ngắn ngày, chịu hạn tốt như các cây họ đậu.
Lo xảy ra cháy rừng
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho rằng một trong những nỗi lo lớn nhất trong năm 2020 của tỉnh này là tình trạng cháy rừng, nếu xảy ra sẽ rất lớn. Chưa bao giờ tỉnh phải đối mặt với nạn cháy rừng như năm 2019 với hơn 70 vụ, thiêu rụi gần 1.200 ha rừng. "Năm nay, hạn hán sẽ còn khốc liệt hơn thì cháy rừng là điều khó tránh khỏi" - ông Tùng nói.
|
Kỳ Nam-Hoàng Thanh-Hồng Ánh (NLĐO)