Xã hội

“Đầu tàu” thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, nhất là đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Chi cục Thuế TP. Pleiku được xem là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Minh bạch thủ tục hành chính

Sở KH-ĐT là một trong những đơn vị tiên phong đẩy mạnh thực hiện DVCTT của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa Gia Lai trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Ông Trần Anh Minh-Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) cho biết: Sở bắt đầu triển khai thực hiện DVCTT từ năm 2017. Đến nay, đơn vị đã cung cấp 113 dịch vụ công, trong đó có 22 DVCTT mức độ 3 và 63 DVCTT mức độ 4. Việc áp dụng DVCTT trong đăng ký đầu tư, kinh doanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và các chi phí phát sinh khác. Trước đây, thời gian trung bình đăng ký thay đổi, cấp mới giấy phép kinh doanh phải mất 3-7 ngày thì nay chỉ cần 0,5-1 ngày là hoàn thành. Từ đầu năm đến ngày 30-11, Sở đã giải quyết 4.300 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có gần 4.100 hồ sơ thực hiện qua DVCTT mức độ 3, 4. “Tất cả các thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ, đưa hồ sơ lên cổng thông tin, anh em tiếp nhận, xử lý, trình lãnh đạo. Khi có kết quả thì gửi trực tiếp về cho doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích nên rất thuận tiện”-ông Minh cho hay.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Q.T

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Q.T

Công ty cổ phần Thương mại-dịch vụ Tú Nhiên (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, được Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cách đây 3 tháng. Mọi thủ tục đăng ký đều được ông Bùi Xuân Nguyên-Giám đốc Công ty thực hiện qua mạng internet. Ông chia sẻ: “Qua tìm hiểu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và được cán bộ Sở KH-ĐT hướng dẫn các bước đăng ký online nên tôi không mất nhiều thời gian để làm thủ tục. Từ khi thực hiện đăng ký thành công, được cán bộ Sở xác nhận hồ sơ hợp lệ thì chỉ mất 2-3 ngày là nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua đường bưu điện. Mọi thủ tục rất nhanh gọn, chúng tôi không phải tốn thời gian, chi phí đi lại”.

Những năm qua, Chi cục Thuế TP. Pleiku đã triển khai thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện DVCTT và nhận được sự phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Bà Phạm Thị Bích-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-cho hay: “Việc đẩy mạnh thực hiện DVCTT, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong việc quản lý người nộp thuế công khai, minh bạch; còn người nộp thuế thì thực hiện các thủ tục hành chính về thuế thuận tiện, nhanh chóng, không còn phải mất nhiều thời gian đi lại như trước đây. Ngoài ra, việc luân chuyển hồ sơ điện tử giữa các cơ quan để xác định nghĩa vụ tài chính cũng thuận lợi cho người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Sau khi tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, hồ sơ được luân chuyển đến các đơn vị liên quan và được trả lại trực tiếp tại chỗ hoặc qua bưu điện, người dân và doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần”.

Trước đây, mỗi lần nộp thuế, ông Lê Văn Yên-Chủ cửa hàng trang trí nội thất-điện nước Ngọc Thủy (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phải đi lại nhiều lần. “Từ khi được cán bộ thuế hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, tôi không còn phải vất vả đi lại để thực hiện nghĩa vụ thuế như trước. Tôi cũng kết nối với ngành Thuế qua Zalo nên mọi thông tin về chính sách thuế, thông báo thuế, kê khai thuế… đều tiếp nhận và thực hiện thông qua điện thoại di động, rất thuận tiện”-ông Yên chia sẻ.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku, hiện nay, đơn vị đã điện tử hóa hầu hết thủ tục hành chính thuế như: kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương pháp điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử với tỷ lệ 98-100%. Ngoài ra, Chi cục Thuế thành phố cũng đã triển khai kết nối Zalo với 100% người nộp thuế thuộc đơn vị quản lý nhằm thông báo những chính sách thuế mới, thông báo nộp thuế, khai thuế… Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang triển khai ứng dụng eTax Mobile (ứng dụng nộp thuế điện tử trên thiết bị di động). Hiện khoảng 95% người nộp thuế đã tải và đăng ký sử dụng ứng dụng này.

Cán bộ của Chi cục Thuế TP. Pleiku (bìa phải) hướng dẫn người dân sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử. Ảnh: Q.T

Cán bộ của Chi cục Thuế TP. Pleiku (bìa phải) hướng dẫn người dân sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử. Ảnh: Q.T

“Chi cục Thuế thành phố luôn đặt hiệu quả thực hiện nhiệm vụ lên hàng đầu, đảm bảo công khai, minh bạch, lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ. Do đó, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT. Đồng thời, Chi cục sẽ triển khai tất cả các ứng dụng, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian nhằm mang lại sự hài lòng cho người nộp thuế. Cùng với đó, chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, người lao động về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như sử dụng thành thạo các ứng dụng để vận động, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện. Ngoài ra, Chi cục tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, phường triển khai phổ biến rộng rãi ứng dụng eTax Mobile trên toàn địa bàn, tiến tới 100% người nộp thuế tải và sử dụng ứng dụng này”-bà Bích thông tin.

Với phương châm cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thực hiện DVCTT, hướng đến một môi trường đầu tư thông thoáng. Thời gian tới, Sở sẽ triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cung cấp DVCTT gắn với việc tuyên truyền để các doanh nghiệp biết và đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3, 4. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng DVCTT. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính mới đủ điều kiện được cung ứng DVCTT mức độ 4; 100% DVCTT được cung cấp, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tỉnh; 100% hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua DVCTT; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Có thể bạn quan tâm