Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Đấu thầu qua mạng của tỉnh Gia Lai: Minh bạch thông tin, tiết kiệm chi phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ đấu thầu qua mạng của tỉnh Gia Lai chỉ đạt 21%, đứng thứ 4 trong khu vực Tây Nguyên. Bước sang năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu đạt 50% trở lên hồ sơ đấu thầu qua mạng nhằm minh bạch thông tin, tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh trong công tác đấu thầu.
Ngày 13-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025. Ưu điểm của hình thức đấu thầu này là hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu từ lúc phát hành thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cho đến thời điểm mở thầu, toàn bộ thông tin liên quan đến nhà thầu đều được giữ bí mật nên có thể hạn chế tối đa vấn nạn thông thầu, dàn xếp “quân xanh, quân đỏ” nhằm bảo đảm sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, việc đấu thầu qua mạng còn giúp giảm số lượng nhân sự cần huy động để mở và chấm thầu, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, chi phí đi lại... Các hồ sơ đều được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dưới dạng văn bản điện tử, vừa tiết kiệm diện tích lưu trữ, vừa tránh bị mất hoặc phá hủy. 
 Tỉnh phấn đấu có từ 50% trở lên hồ sơ đấu thầu qua mạng trong năm 2020. Ảnh: H.D
Tỉnh phấn đấu có từ 50% trở lên hồ sơ đấu thầu qua mạng trong năm 2020. Ảnh: H.D
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh trong thực hiện các vấn đề liên quan tới đấu thầu như lộ trình đấu thầu qua mạng, phân cấp trong đấu thầu qua mạng. Sở cũng thường xuyên trao đổi với các chủ đầu tư và đơn vị liên quan để giải đáp những vướng mắc về đấu thầu hoặc tổ chức các cuộc họp để xin ý kiến UBND tỉnh xử lý các tình huống trong đấu thầu. Qua đó đã góp phần tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư quán triệt và thống nhất trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước về đấu thầu, nhất là đấu thầu qua mạng”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, Gia Lai chỉ có 155/584 hồ sơ đấu thầu qua mạng, chiếm 21%. Đây là con số khá thấp so với khu vực và cả nước. Cụ thể, tỉnh có tỷ lệ hồ sơ đấu thầu cao nhất cả nước là Thanh Hóa với 60,3%. Ở khu vực Tây Nguyên, Đak Nông có tỷ lệ hồ sơ đấu thầu qua mạng cao nhất với 28,9%, tiếp theo là Lâm Đồng 27,7%, Đak Lak 26,9% và xếp cuối là Kon Tum 11,4%. Về nguyên nhân việc đấu thầu qua mạng đạt thấp, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, rào cản đầu tiên là sự hạn chế về công nghệ, kỹ thuật của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Các chủ đầu tư chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể và còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật trong việc kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; việc tra cứu, tìm kiếm các nội dung đăng tải còn gặp nhiều hạn chế; chưa có văn bản hướng dẫn khi nào cần thực hiện thẩm định giá, khi nào lấy báo giá. Phần nữa là tâm lý “ngại” thay đổi của không ít chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Và tất nhiên, không loại trừ khả năng các nhà thầu chỉ quan tâm tới lợi ích riêng, giữ thói quen “đi cửa sau” như chạy chọt, thông thầu... nên không muốn áp dụng đấu thầu qua mạng.
Năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Hà Duy
Năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ảnh: Hà Duy
 
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Năm nay, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai công tác này, phấn đấu tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt từ 50% trở lên”.


Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác này, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 205/SKHĐT-TĐGSĐT đề nghị các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư triển khai thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Theo đó, Thông tư bắt buộc công khai hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đối với đấu thầu qua mạng, năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Huyện Đức Cơ có số lượng hồ sơ tham gia đấu thầu qua mạng khá cao. Năm 2020, huyện phấn đấu là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về vấn đề này. Ông Huỳnh Tuấn Kiệt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đức Cơ-cho biết: “Chúng tôi rất tích cực trong việc triển khai công tác đấu thầu qua mạng. Nhờ đó mà năm 2019, tỷ lệ tham gia đấu thầu qua mạng đạt 70%. Còn năm nay, huyện phấn đấu đạt 100%”. 
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm