Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Dạy con thời @

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc nuôi dạy con khiến các bậc cha mẹ “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất. Ở mỗi tình huống tế nhị phát sinh trong cuộc sống, các bậc cha mẹ luôn phải học hỏi, chiêm nghiệm để chọn phương cách dạy con phù hợp. Việc dạy con trong bối cảnh giáo dục mới, nhất là khoa học-công nghệ ngày một phát triển lại là một câu chuyện dài.
Anh D. sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng quê nghèo thuần nông. Bằng con đường vượt khó, khổ luyện mà anh chị em trong gia đình trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên. Vận dụng cách dạy con có phần khắc kỷ từ người cha, với phương châm “học tập, bước đầu là lao động khổ sai; sau đó mới hình thành tính tự giác”, anh đã dìu dắt 2 cậu con trai lần lượt bước vào những trường đại học danh giá.
Tuy thế, chỉ sau 1-2 năm, các con anh D. đồng loạt nghỉ học, xin đi làm với lý lẽ: “Trường đại học không phải là môi trường tốt nhất để tiếp bước vào đời. Nhiều tấm gương thành đạt trong cuộc sống không cần phải tốt nghiệp đại học. Nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng lại mưu sinh bằng công việc hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn đào tạo”. Và, mọi nỗ lực thuyết phục của anh D. đều không mang lại kết quả như mong muốn.
Nhiều bậc cha mẹ áp đặt việc chọn trường đại học cho con mà chưa xác định chắc chắn những sở thích, cũng như khả năng của con mình đối với nghề nghiệp. Điều này khiến lớp trẻ khó hòa nhập, khó thích nghi với ngành học dẫn tới bế tắc và muốn tìm lối rẽ bằng con đường khác. Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ và con cái cần thiết phải ngồi lại với nhau, lắng nghe lời con trẻ giãi bày, chọn phương án trường học theo sở thích, năng lực của con để làm lại từ đầu, động viên con cố gắng vượt qua.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Con trai chị H. đang học lớp 12. Thời gian ở nhà, cậu chàng lúc nào cũng cắm cúi trước màn hình máy vi tính, mẹ hỏi thì trả lời là học online ở những “gói luyện thi” có uy tín và chất lượng trên mạng. Tin con, chị H. không bám sát, theo dõi thực hư việc học của con.
Sau cuộc điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, chị H. mới vỡ lẽ: Thời gian thằng bé ngồi trước màn hình máy tính chỉ để chơi game, chat với bạn chứ không hề học online. Vì vậy, khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT của con thấp đều ở các môn, chị H. đã động viên con tiếp tục đèn sách thêm 1 năm nữa. Trong lần ôn thi đại học này, chị H. còn dành thời gian đồng hành cùng con. Kết quả, con chị đỗ vào một trường đại học mình yêu thích.
Thời đại @, cổng trường đại học không phải là mẫu số chung cho mọi thanh niên, mà qua đó chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Cùng với điều này, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của con (gồm cả năng khiếu) đòi hỏi trách nhiệm, tình cảm (khách quan) của các bậc cha mẹ và nhà trường.
AMA LUÂN

Có thể bạn quan tâm