Học về khởi nghiệp không chỉ là học cách buôn bán mà cần thiết là tư duy khởi nghiệp, tư duy sáng tạo trên nền tảng của đam mê, sở thích.
Hoạt động hội chợ cũng là môi trường khởi nghiệp thử nghiệm đối với học sinh ẢNH: PHÚ HUỲNH |
Trong hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm trong trường trung học năm học 2020 - 2021, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường THPT.
Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh (HS) THPT; vận động, khuyến khích HS tham gia các hội thi khởi nghiệp.
Hiểu sở thích bản thân, đưa ra lựa chọn phù hợp
Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), nêu ra những cách thức để HS tiếp cận với kiến thức khởi nghiệp phù hợp. Ông Quang cho rằng giáo dục khởi nghiệp trong trường phổ thông không phải là dạy HS cách làm ăn, buôn bán mà là giúp HS hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), để đưa giáo dục khởi nghiệp vào bậc phổ thông, trước hết cần cung cấp cho HS một khái niệm đúng đắn về khởi nghiệp. Bởi theo ông Hùng, qua thăm dò, hiện tại đa phần HS thường hiểu khởi nghiệp là vấn đề rất lớn lao, cao siêu.
Nhà trường tạo môi trường khởi nghiệp
Theo các chuyên gia, một định nghĩa đúng đắn về khởi nghiệp là cần thiết, bên cạnh điều kiện đủ là những trải nghiệm ngành nghề, thực hành lao động, làm quen với môi trường lao động, sản xuất... để hiểu giá trị của lao động. Theo lãnh đạo một trường THPT thì nên gắn nội dung khởi nghiệp với hoạt động hướng nghiệp.
Giáo dục khởi nghiệp trong trường phổ thông không phải là dạy học sinh cách làm ăn, buôn bán mà là giúp học sinh hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn phù hợp Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Vị lãnh đạo này cho rằng khi tư vấn, định hướng HS theo đuổi, lựa chọn các ngành nghề cũng phải đi từ sở thích, năng lực của HS. Để HS có cái nhìn thực tế về ngành nghề thì các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chính các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... để HS hiểu, từ đó quyết định dấn thân, sống bằng nghề mà mình yêu thích. “Đó chính là bước chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề mình đã học”, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Để hình thành tư duy khởi nghiệp cho HS, theo ông Lê Nhật Quang, nhà trường có thể tạo môi trường khởi nghiệp giúp HS thử nghiệm bản thân, thử thách ý tưởng. Các trường cần liên kết với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm trang bị cho HS những thông tin khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp để các em có thể tiếp cận, trải nghiệm. Cụ thể, các trường cần tổ chức đưa HS đi tham quan doanh nghiệp, công ty, môi trường khởi nghiệp tại các trường ĐH, CĐ hoặc thiết kế, phối hợp tổ chức những buổi nói chuyện với doanh nhân để truyền cảm hứng...
Cũng theo ông Quang, việc trải nghiệm trong một môi trường công việc cụ thể giúp HS hiểu, định hình công việc. Từ đó, với một góc nhìn mới, cách nhìn mới sẽ giúp HS có những ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy tư duy khởi nghiệp.
Tuy nhiên, chính lãnh đạo các trường cũng cho rằng kiến thức trong nhà trường còn là “lý thuyết suông” vì không phải giáo viên nào cũng đã trải qua khởi nghiệp nên rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn của những người trong cuộc.
Đồng Văn Hùng, chủ nhân một kênh YouTube, khởi nghiệp từ đam mê nhiếp ảnh, cho biết: “Khởi nghiệp cần kiên trì, bắt đầu với đam mê bên cạnh tư duy sáng tạo. Khi đã có đam mê mà được sự định hướng phù hợp, có những tư vấn về chuyên môn. Vì vậy, với HS, bắt đầu tiếp cận với khởi nghiệp, không chỉ cần những chia sẻ để đi đến thành công mà còn cần những kinh nghiệm được rút ra từ thất bại”.
Theo Bích Thanh (Thanh Niên)