(GLO)- Hợp tác công-tư ở đây phải hiểu là có 3 thành phần cùng tham gia vào ngành hàng cà phê, gồm: nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Cả 3 thành phần kinh tế này nếu tham gia một cách khoa học vào hợp tác công-tư, tất sẽ tạo bước đột phá cho ngành hàng cà phê-ngành kinh tế mỗi năm mang lại kim ngạch xuất khẩu vài tỷ đô la cho đất nước.
Vậy thì doanh nghiệp đã tham gia vào mô hình hợp tác này như thế nào?
Từ năm 2011, Dự án Nescafé Plan đã được Nestlé Việt Nam triển khai tại Việt Nam với mục tiêu phát triển canh tác cà phê bền vững. Với kỹ thuật của Nescafé Plan, các hộ nông dân đã tăng hơn 20% sản lượng cà phê thu hoạch, nhờ đó tăng thu nhập lên 30%, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên gồm các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần giảm thiểu những tác động tới môi trường bằng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Nhà nước cần trực tiếp tham gia để chương trình hợp tác công-tư trong ngành hàng cà phê có hiệu quả, đó là tổ chức khâu chế biến, xuất cà phê rang xay chứ không xuất cà phê thô. (ảnh nguồn internet) |
Như thế, Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia một cách khoa học, tích cực và thực sự hợp tác với nông dân trồng cà phê. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người trồng cà phê. Tuy nhiên, Nestlé Việt Nam còn đơn lẻ khi tham gia vào chương trình hợp tác công-tư này.
Nói đến “tư” là bao gồm nông dân và doanh nghiệp, còn Nhà nước thì sao?
Trước hết, Nhà nước tham gia bằng hoạch định kế hoạch. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong vài năm tới, Việt Nam cần tái canh khoảng 120.000 ha cà phê. Khi tái canh, khoảng 3 năm tiếp theo, vườn cà phê sẽ không cho thu hoạch. Như vậy, 1 ha khi tái canh trong 3 năm sẽ mất đi khoảng 7,5 tấn cà phê. Tính ra, mỗi năm, sản lượng cà phê giảm do tái canh vào khoảng 300.000 tấn.
Cũng theo thống kê, giá cà phê thế giới năm 2018 “lao dốc” dẫn tới nông dân trồng cà phê ở Việt Nam bị lỗ nặng. Cụ thể, có lúc giá cà phê chỉ còn 32.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất lên tới 35.000 đồng/kg. Triển vọng năm 2019 cũng chưa sáng sủa gì về giá vì ở “thủ phủ cà phê thế giới” Brazil, nguồn cung vẫn quá dồi dào và khả năng xuất khẩu của họ vẫn rất cao. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục xuất cà phê dạng thô thì khả năng thua lỗ rất dễ thấy.
Chỉ có một cách là Nhà nước cần trực tiếp tham gia để chương trình hợp tác công-tư trong ngành hàng cà phê có hiệu quả, đó là tổ chức khâu chế biến, xuất cà phê rang xay chứ không xuất cà phê thô. Về cà phê rang xay thì hiện nay, ngay tại Việt Nam, xu hướng người tiêu dùng hướng về chủng loại cà phê này đã tăng rất nhanh. Thậm chí, về những nơi khá hẻo lánh vẫn tìm được những quán cà phê rang xay để phục vụ nhu cầu của khách. Nếu ở Việt Nam, cà phê rang xay đã lên ngôi, thì với thế giới, đây đã là chuyện thường ngày từ lâu rồi. Vì vậy, xuất khẩu cà phê rang xay là con đường tất yếu.
Nhà nước hoàn toàn có thể tham gia vào khâu chế biến này, kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân. Những trung tâm chế biến cà phê sẽ có chính sách riêng với người trồng, quy định cách trồng, chăm sóc và thu hoạch nhằm có được sản phẩm cà phê thô tốt nhất. Sau đó là khâu thu mua với giá cả hợp lý để người trồng cà phê có lãi từ khá đến tốt. Phần đầu ra xuất khẩu cà phê thành phẩm hoàn toàn do nhà nước và doanh nghiệp đảm nhiệm. Người trồng cà phê chỉ chú tâm cung cấp cà phê hạt đạt chất lượng xuất khẩu.
Các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều việc nhà nước phải làm trong mô hình hợp tác công-tư này, chứ không đơn giản là chỉ đạo chung chung. Nhưng liệu phía “công” có làm được phần việc của mình hay không là một câu hỏi.
Chưa kể, phải điều chỉnh chính sách về đất đai, thuế, phải tạo điều kiện tốt nhất để khâu sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng, và khâu chế biến cùng xuất khẩu tìm được giá cả tốt nhất trong điều kiện giá cà phê thế giới luôn biến động và khả năng dư thừa đã hiện rõ.
Vì thế, hợp tác công-tư về cà phê trước hết là hợp tác để giải bài toán đa nghiệm về cà phê, rồi mới đến hợp tác trong những công việc cụ thể.
Thanh Thảo