TN - Đất & Người

Đẩy mạnh hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản Lâm Đồng trong tình hình mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 chỉ có 8 doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, với các mặt hàng: rau, củ, quả, trà, cà phê, đông trùng hạ thảo, hạt mắc ca, nước cốt trái cây, sầu riêng, mật ong, chuối Laba, sâm đương quy; nhiều doanh nghiệp khác tham gia gian hàng triển lãm thực tế ảo trực tuyến.
 
Tỷ lệ rau, củ tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 7% sản lượng nông sản của Lâm Đồng
Tỷ lệ rau, củ tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 7% sản lượng nông sản của Lâm Đồng
Năng lực cung ứng nông sản Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn của Việt Nam, nổi tiếng với các sản phẩm chủ lực, gồm: cà phê, chè, hoa và rau… chiếm tỷ trọng gần 50% GDP của tỉnh. Hằng năm, có khoảng 80% sản lượng nông sản của Lâm Đồng cung ứng cho các thị trường trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây; khoảng 20% sản lượng nông sản còn lại là tiêu thụ nội tỉnh và phục vụ xuất khẩu. Nhiều thương hiệu đã và đang khẳng định giá trị, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, như: Hoa Đà Lạt, Rau Đà Lạt, Chè Cầu Đất, Chè B’Lao… cùng nhiều sản phẩm OCOP có lợi thế so sánh đặc trưng tại các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. 
Mỗi ngày, Lâm Đồng có năng lực cung ứng rau, củ ra thị trường bình quân khoảng 6 ngàn tấn, với các chủng loại: rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả. Trong đó, lượng rau tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 7%; sản lượng rau phục vụ chế biến, xuất khẩu chiếm 14%; còn lại 79% tiêu thụ ngoài tỉnh, tương ứng 4.740 tấn/ngày (đến thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 55%).
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng và sự phân công của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các hoạt động hỗ trợ, kết nối cung ứng rau, củ, quả cho các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ khoảng 2 ngàn tấn mỗi ngày (riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 1.200 tấn). Tổng cộng số nông sản hỗ trợ trong đợt dịch Covid là hơn 28.700 tấn (trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh 16.866 tấn, thành phố Đà Nẵng hơn 2.250 tấn; các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên là hơn 9.600 tấn).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, những tháng qua, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, sản lượng tiêu thụ nông sản của Lâm Đồng bị ùn ứ, sụt giảm; nhiều tỉnh, thành trong nước áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa khiến nhiều đơn đặt hàng bị ngừng, hủy, dẫn đến giá nông sản giảm. Đặc biệt, giá hoa Lâm Đồng giảm đến 70-80% trong các tháng 8, 9, 10; các nhà vườn phải bỏ hàng triệu cành hoa do không tiêu thụ được.
Nhu cầu xúc tiến, quảng bá nông sản với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Hiện nay, mặc dù giá cả nông sản đang phục hồi, nhưng tác động của đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu ổn định, nhiều doanh nghiệp, HTX của tỉnh Lâm Đồng đã bị đứt gãy liên kết với các đối tác tiêu thụ hàng hóa. Trong khi trước đó, do không có kế hoạch sản xuất, sản xuất tràn lan, nguồn cung vượt cầu, nông sản bị dư thừa, liên kết thiếu bền vững, nên đã ảnh hưởng chung đến việc tiêu thụ nông sản... 
Qua thời gian thích nghi với các yêu cầu về phòng, chống dịch, sản xuất hàng hóa nông sản ở Lâm Đồng hiện nay đang tăng trưởng tốt, đáp ứng nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nhưng do hệ thống phân phối, sự liên kết giữa các vùng miền, hạ tầng vận chuyển thiếu ổn định đã gây thêm khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản. 
Trong 4 ngày (2-5/12/2021) diễn ra Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, đã có 559 giao dịch thành công, trong đó, có nhiều đơn vị Lâm Đồng, như Công ty TNHH Dalat Gap, Công ty TNHH Enny, Công ty Hoàng Anh Macca, Danh trà Làn Hương Văn Hương, HTX Dược liệu Như Ý… Qua 10 lần thực hiện, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa đáp ứng được mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực vào doanh thu thị trường nội địa. 
Hội nghị năm nay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung cầu; tổ chức phương án triển lãm thực tế ảo, kết nối trực tuyến, nâng cấp website www.ketnoicungcau.vn để hướng đến khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục. Từ kết quả của Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa năm 2021, cho thấy, để thích ứng, phù hợp trong giai đoạn bình thường mới, góp phần ổn định thị trường, tìm kiếm đầu ra phù hợp, hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thương hiệu; quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bền vững hướng đến xuất khẩu; đặc biệt là định hướng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản và các hoạt động kết nối cần tổ chức cả 2 hình thức là trực tiếp và trực tuyến…
Theo LÊ HOA (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm