Xã hội

Dạy nghề để tạo sinh kế lâu dài cho lao động dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Gia Lai có 13.725 người được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, trong đó có 94% là lao động dân tộc thiểu số. Nhờ được học nghề nên người lao động tự tin trong công việc, nâng cao thu nhập và có kỹ năng nghề để xuất khẩu lao động.
Thu nhập ổn định nhờ học nghề
Cách đây 2 năm, sau khi học lớp nghề xây dựng do huyện Đak Đoa phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức, anh Hnum (làng O Yố, xã Ia Băng) đã thành lập nhóm thợ nhận xây nhà cho người dân trong làng.
Anh Hnum cho hay: “Sau khi học xong, không chỉ tự sửa nhà của mình, tôi còn lập nhóm nhận xây nhà cho người dân”. Mới đầu, nhóm của anh Hnum nhận xây nhà đơn giản, dần dần có kinh nghiệm mới nhận xây những căn nhà lớn, giá trị tiền cao hơn. “Ngoài thời gian làm rẫy, trung bình mỗi người trong nhóm có thu nhập thêm 80-100 triệu đồng/năm nhờ nghề thợ xây”-anh Hnum nhẩm tính.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quý Thành-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 6 lớp nghề xây dựng tại xã, mỗi lớp 25 học viên. Qua đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số được đào tạo nghề và có cơ hội việc làm.
Nhóm thợ của anh Hnum xây nhà cho người dân xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Tây
Nhóm thợ của anh Hnum xây nhà cho người dân xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). Ảnh: Hà Tây

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh thì cho hay: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 48 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 1.224 lao động. Trong đó, 37 lớp nghề phi nông nghiệp và 11 lớp dạy nghề nông nghiệp.

Hàng năm, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá và lập kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề tại địa phương; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hiện có tới hơn 80% lao động sau đào tạo tìm được việc làm. Từ năm 2016 đến 2018, huyện có 120 lao động người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Nhật Bản... với thu nhập bình quân 10-30 triệu đồng/tháng.

“Tất cả lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều tích lũy gửi tiền về phụ giúp gia đình. Nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã trả hết nợ, xây được nhà ở, mua sắm phương tiện sản xuất”-ông Trường thông tin.

Phấn đấu tạo việc làm mới cho 70% lao động
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13.725 người được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, trong đó có 94% là lao động dân tộc thiểu số. Một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả như: nghề xây dựng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp, công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất, xí nghiệp và xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), công tác đào tạo nghề lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tâm lý của lao động còn nặng tính trông chờ, ỷ lại, ngại đi làm ăn xa.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tạo việc làm mới cho 70% lao động người dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo nghề. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số.
Theo bà Duyên, các trường và cơ sở dạy nghề cần đa dạng ngành nghề đào tạo, thu hút đông lao động dân tộc thiểu số học nghề. Cùng với đó, Sở tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Đồng thời, Sở phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, tìm việc làm phù hợp với khả năng, kỹ năng để có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm