Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Dạy trẻ kỹ năng sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi đang nói với con: “Nếu lạc trong rừng mà bị lạnh con hãy tìm lá khô bỏ vào giữa hai lớp áo, lá khô sẽ giúp con giữ nhiệt tốt hơn”. Mới thử làm được chốc lát thì cu cậu khóc toáng lên. Thì ra có con kiến nhọt đã kịp bò qua giày và cắn vào cẳng chân cậu bé.
Dịch bệnh khiến công việc đình trệ nhưng cũng giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn bên con trẻ. Tôi cố gắng làm đồ chơi, đọc sách cho con nghe để cháu bớt nhàm chán và đặc biệt chú ý dạy thêm những kỹ năng sống.
Kỹ năng sống được hiểu là những kỹ năng cơ bản để giúp trẻ sinh tồn, thích nghi và phát triển. Xã hội và môi trường sống thay đổi sẽ khiến trẻ khó thích nghi nếu chưa có những khuôn mẫu sẵn, chưa được nhắc tới, chưa được tiếp cận. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng thêm để trẻ có thể hình thành các kỹ năng trong hoàn cảnh xã hội luôn biến đổi và sự giao tiếp đa dạng của môi trường hiện nay.
Tôi thường đọc sách để con thấm dần ngôn ngữ và hình thành vốn từ vựng giao tiếp. Gia đình tôi tạo môi trường đa dạng về giao tiếp cho con như thường xuyên dẫn con đến nhà bạn bè, cho cháu chơi với nhiều bạn đủ lứa tuổi và những nhóm người có sự khác nhau về văn hóa. Tôi vẫn tin qua giao tiếp và định hướng của bố mẹ, cháu sẽ biết lọc những khuôn mẫu hành vi phù hợp với môi trường mà mình đang sinh sống. Nhiều hôm, tôi cũng bất ngờ vì con học được những từ không lịch sự. Nhưng vì thường xuyên gần gũi chuyện trò với con nên cháu dễ dàng chia sẻ với tôi. Tôi chỉ nhẹ nhàng dặn con: “Đó là những câu nói chưa đúng, con không nên dùng”. Tôi kể cho con nghe những câu chuyện về tình yêu thương, cả việc chia sẻ trong đại dịch Covid-19, rồi chuyện mẹ ủng hộ tiền cho quỹ vắc xin tôi cũng kể ra để cháu biết đó là trách nhiệm của công dân với đồng bào, với Tổ quốc.
Cách khác mà tôi chọn là cho con mình xem những video ngắn trên các mạng xã hội. Youtube có rất nhiều kênh dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Chỉ cần gõ từ khóa là cha mẹ có vô số lựa chọn. Tuy nhiên, để tránh khỏi “sạn” trên mạng xã hội thì trẻ cũng cần cha mẹ đồng hành. Xem xong thì cũng có thể thực hành theo hướng dẫn. Ví dụ như khi trời có sấm sét thì nên làm gì, khi gặp người lạ phải xử trí như thế nào… nhiều tình huống xảy ra mà con có thể áp dụng ngay. Như con trai tôi mới gần 6 tuổi, hôm nọ bảo với tôi: “Em gái tự ý xả vòi nước nóng, con đã xả nước lạnh ra ngâm tay em vào rồi đó mẹ”. Cũng may là chưa có sự cố đáng tiếc xảy ra nhưng nhờ được chỉ bảo trước đó mà con trai tôi đã xử lý được tình huống khẩn cấp khi người lớn không có mặt.
Chúng ta không thể lúc nào cũng có thể xuất hiện bên cạnh con. Việc giúp con ứng phó với những tình huống muôn màu trong cuộc sống đòi hỏi phải có những kỹ năng và kiến thức cơ bản. Cha mẹ không chỉ hướng dẫn mà còn thực hành cùng con. Như tôi, có hôm cùng con đi dạo ở khu rừng, tôi giả vờ nói với cháu là “mình bị lạc rồi, mẹ không nhớ đường”. Cu cậu tự xác định hướng theo những điểm nổi bật mà mẹ chỉ, đồng thời reo lên mừng rỡ khi phát hiện mình đã dẫn bố mẹ về được đến nhà. Hay lần khác, để hướng dẫn con tìm lửa, giữ ấm khi ở đêm trong rừng, tôi hoàn toàn làm theo sách cho đến khi cu cậu ngồi trên tổ kiến và khóc toáng lên vì bị kiến cắn.
Các tình huống ngoài thực tiễn luôn sinh động. Chính vì vậy, để dạy kỹ năng sống cho con, cha mẹ phải luôn đồng hành. Chúng ta chọn phương pháp tích hợp, khái quát lý thuyết hướng dẫn và cùng con thực hành, có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả và giúp đứa trẻ sớm hình thành những kỹ năng sinh tồn trong tương lai.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm