Thể thao

Thể thao cộng đồng

Để bóng đá nữ Việt Nam mạnh hơn: Đột phá để thoát vòng luẩn quẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bóng đá nữ Việt Nam vẫn bị coi là chưa thoát khỏi tình trạng bán chuyên nên sẽ cần một cơ chế đầu tư, phát triển đặc biệt.
Nuôi bóng đá nữ như chăm con nhỏ. 
Bóng đá nữ Việt Nam hiện tại có 6 trung tâm. Một mình Giám đốc Trung tâm TDTT Hà Nam, ông Phạm Hải Anh đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng phong trào 2 nơi gồm nhà vô địch quốc gia 2018 Phong Phú Hà Nam và đội bóng miền núi Sơn La.
Ông Hải Anh bày tỏ: "Hiện tại, giải vô địch quốc gia (VĐQG) tiếng là có 8 đội nhưng Hà Nội, TP.HCM mỗi nơi đã có 2 đội rồi. Chúng ta cần lấy Thái Lan làm mục tiêu, với 8 đội ở giải VĐQG và 8 đội hạng nhất thì mới mong phát triển bền vững và tạo nguồn đầu vào ổn định cho tuyển nữ Việt Nam. Đó là một nhu cầu bức thiết vì hiện tại cả dải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên vẫn hoàn toàn “trắng” bóng đá nữ. Bóng đá nữ Việt Nam đang vướng vòng luẩn quẩn không có cú hích nên phong trào vẫn bó hẹp, thiếu sức hút và tính cạnh tranh. Mà như vậy thì càng khó có nhà tài trợ vào đầu tư.

Các cầu thủ nữ cần được thi đấu nhiều để nâng cao hơn nữa sức mạnh và trình độ. Ảnh: Minh Tú
Các cầu thủ nữ cần được thi đấu nhiều để nâng cao hơn nữa sức mạnh và trình độ. Ảnh: Minh Tú
Việc tuyển nữ Việt Nam đoạt vé đi World Cup là một "cơ hội kim cương" để tạo ra cú hích lịch sử. Muốn chân đế bóng đá nữ dày dạn và cứng cáp hơn thì chúng ta phải tìm cách tăng số lượng các đội lên. Thực ra nhu cầu đầu tư bóng đá nữ không phải không có. Năm 2018 tỉnh Hòa Bình từng hỏi cách làm bóng đá nữ. Năm 2016 tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo về bóng đá và tôi đã viết 2 bài tham luận về cách ươm mầm bóng đá nữ... Sơn La từng là con số 0 trước khi tôi bắt tay vào xây dựng. Bây giờ bóng đá nữ nơi đó còn khó khăn nhưng vẫn duy trì được. Nuôi bóng đá nữ như có con nhỏ, chăm chút rồi sẽ có tình yêu thương.
Tôi từng đề xuất Ban bóng đá phong trào VFF mỗi năm có thể đầu tư cho mỗi địa phương 300 - 500 triệu đồng. Nguồn có thể lấy từ ngân sách, khoản hỗ trợ của FIFA, lợi nhuận từ phân chia tiền tham dự World Cup... hoặc kêu gọi những doanh nghiệp tâm huyết tài trợ... VFF có thể hỗ trợ 4 - 5 năm đầu để khi địa phương quen việc, cũng đã có tình cảm gắn bó thì phong trào sẽ đứng vững được. Để bóng đá nữ thoát khỏi vòng luẩn quẩn kìm hãm cần sự chung tay của 4 nguồn lực chính: sự ủng hộ của địa phương, VFF hỗ trợ và tư vấn, doanh nghiệp chung tay xã hội hóa và có HLV tâm huyết giỏi chuyên môn.
Bài học 2 nét bút cùng vẽ của Thái Lan
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đội tuyển đầu tiên giành vé dự World Cup nữ (năm 2015 tại Canada) và lần thứ 2 là năm 2019 tại Pháp. Ở World Cup nữ 2015, họ sử dụng phần lớn nguồn lực cầu thủ trong nước và thua Đức, Na Uy cùng tỷ số 0-4. Ở lần thứ 2 dự World Cup nữ vào năm 2019, dù có nhiều kinh nghiệm hơn và tăng cường Thái kiều nhưng tuyển nữ Thái Lan vẫn hứng chịu 3 thất bại 0-13 trước đội Mỹ, 1-5 trước Thụy Điển và 0-2 trước Chile. Để bảo đảm thành tích ở các giải châu Á và cải thiện thành tích ở World Cup, LĐBĐ nước này (FAT) đẩy mạnh việc nhập tịch hoặc mời các cầu thủ gốc Thái trở về, giống đội tuyển nam.
Tại Asian Cup nữ 2022, tuyển nữ Thái Lan tham gia với thành phần có ít nhất 3 cầu thủ sinh tại Mỹ nhưng có gốc gác Thái Lan là tiền vệ Irravadee Makris, thủ môn Tiffany Sornpao và tiền đạo Miranda Nild. Số cầu thủ này đều giữ 2 quốc tịch, nhưng chọn thi đấu cho tuyển Thái Lan khi khó có cửa chen chân ở nước sở tại. Cũng phải nói thêm, Thai League có thu nhập cao và chuyên môn tốt là một lợi thế đáng kể, giúp các CLB dễ thu hút cầu thủ Thái kiều trở về thi đấu.
Tuy nhiên, chiến lược thu hút ngoại lực của người Thái vẫn chưa thành công, khi đội chưa vượt qua vòng bảng, liên tiếp thua đậm ở 2 kỳ World Cup. Ở Đông Nam Á, họ thậm chí vẫn chưa tiếm được ngôi nữ hoàng của Việt Nam, với 2 HCV SEA Games và 1 chức vô địch AFF Cup. Nhưng FAT vẫn thể hiện tầm nhìn rất đáng chú ý. Ngoài mục tiêu ngắn hạn là các Thái kiều, họ đầu tư cho nội lực bằng việc nâng cấp các giải bóng đá nữ nội địa. Từ mùa giải năm 2022 bóng đá nữ Thái Lan sẽ chia 2 hạng đấu theo mô hình chuyên nghiệp, với League 1 gồm 8 CLB hàng đầu thi đấu vòng tròn 2 lượt đi - về sân nhà - sân khách, cho phép chiêu mộ cầu thủ ngoại. Còn giải League 2 cũng có 8 CLB và thi đấu vòng tròn 2 lượt đi - về, nhưng thi đấu tập trung tại một địa điểm trung lập để tiết kiệm kinh phí. Đứng vững trên đôi chân của mình, kết hợp với nguồn lực Thái kiều là 2 nét bút cùng vẽ của FAT để chơi tốt tại World Cup.
Trong khi đó, sự tiến bộ của Philippines từ chỗ lót đường ở SEA Games hay AFF Cup nữ, nhưng nhờ chiêu mộ cầu thủ gốc Philippines ở nước ngoài (chủ yếu tại Mỹ) về thi đấu, đã thắng lớn tại Asian Cup nữ 2022. Họ đánh bại Thái Lan 1-0 ở vòng bảng do công McDaniel, thắng tiếp Đài Loan ở tứ kết để đoạt vé đi World Cup nữ 2023. Hướng đi này bóng đá nữ Philippines vẫn đang triển khai, nhờ nguồn cầu thủ nữ gốc Philippines ở Mỹ vô cùng dồi dào, thể hiện qua bản danh sách 23 cầu thủ thể hình, kỹ thuật như Tây. Bất chấp những phản ứng về việc nhập tịch ồ ạt, Philippines kỳ vọng có thể tạo sự thay đổi lớn cho bóng đá nữ nước này trong thời gian tới.
Nên tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn cho cầu thủ nữ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: “Đầu tư bóng đá nữ ở VN còn yếu vì sự quan tâm của VFF thông qua hệ thống thi đấu còn rất manh mún. Các cầu thủ nữ mỗi năm tháng chỉ thi đấu được 12 - 15 trận, nếu gặp dịch Covid-19 như năm rồi thì chỉ 6 - 8 trận. Con số này quá ít, không thể giúp cầu thủ tích lũy được kinh nghiệm trận mạc và từ đó trui rèn được tâm lý, bản lĩnh thi đấu. Do số đội bóng đá nữ hiện nay rất ít, chỉ 5 - 6 đội, theo tôi VFF nên thay đổi hệ thống thi đấu. Nên chăng áp dụng mô hình tổ chức thi đấu nhiều vòng hơn, theo dạng tour qua từng địa phương trong cả nước để vừa thay đổi môi trường thi đấu giúp cầu thủ hứng khởi, vừa kích thích phong trào bóng đá nữ tại địa phương. Giải vô địch quốc gia có thể đá 6 vòng cũng được, mỗi đội gặp nhau 6 lần, 3 lần vào đầu năm ở phía bắc (tổng cộng 12 - 15 trận) và 3 lần vào cuối năm ở phía nam (12 - 15 trận còn lại). Cộng thêm các trận đá Cúp quốc gia thì tổng số trận sẽ xấp xỉ 30, và nếu có thêm giải quốc tế thì mật độ thi đấu của cầu thủ nữ sẽ cải thiện đáng kể hơn nữa”.
Ông Xương nhấn mạnh để thực hiện được việc cải tiến thi đấu này thì VFF cần phải kiên trì, dành một khoản kinh phí đáng kể cho bóng đá nữ và phải mời gọi sự đầu tư chung sức của xã hội, nâng cao công nghệ tổ chức kiểu như bên bóng rổ VBA. Chỉ có giải vô địch quốc gia mạnh thì mới tạo chân đế cho đội tuyển mạnh ổn định trong tương lai.
(T.K ghi)
Theo Tiểu Bảo - Giang Lao (TNO)

Có thể bạn quan tâm