Kinh tế

Doanh nghiệp

Để chế biến gỗ Gia Lai thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đây là định hướng hoàn toàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bởi lẽ, với nguồn gỗ rừng trồng dồi dào, tỉnh ta có thể biến ngành công nghiệp chế biến gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước kia, số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai khá nhiều. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở này được lấy tại chỗ và nhập khẩu. Song trước tình hình nguồn nguyên liệu ngày càng khó kiểm soát, tỉnh ta đã hạn chế cấp phép kinh doanh mới đối với các cơ sở chế biến gỗ; đồng thời tăng cường công tác quản lý, mạnh tay xử lý các cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật. Do đó, đến nay, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh chỉ còn 318 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chế biến lâm sản.
Giữa tháng 11-2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Việc tạm dừng nhập khẩu gỗ càng khiến nguồn nguyên liệu phục vụ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp. Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát gắt gao của tỉnh đối với mặt hàng này, ngành sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn gần như chững lại. 
 Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phát triển, vấn đề đặt ra là phải giải được bài toán về nguồn nguyên liệu. Đây là điều không quá khó khi diện tích rừng trồng với các loại gỗ như keo, xoan đào, thông... trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh đã trồng được 13.718 ha rừng. Nhiều người dân cũng đã tự nguyện trả lại diện tích đất rừng lấn chiếm và đăng ký tham gia trồng rừng trên những diện tích đó để cải thiện sinh kế.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đồ gỗ của vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có vị thế khá vững chắc trên thị trường cả nước với chất lượng đã được khẳng định. Chính những doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ hiện tại trên địa bàn tỉnh cũng rất tự tin với sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Quang Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Nguyễn Quang Gia Lai-cho biết: “Tất cả sản phẩm gỗ của Công ty đều qua xử lý công nghiệp nên hàng làm ra không bao giờ bị cong vênh, nứt nẻ, mối mọt. Mẫu mã sản phẩm cũng đa dạng, phong phú nên chúng tôi rất tự tin vào sức cạnh tranh trên thị trường”. Hiện tất cả sản phẩm của Nguyễn Quang Gia Lai đều tự thiết kế, sản xuất với đội ngũ thiết kế, kỹ thuật lành nghề, có đặc trưng riêng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Tại hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gỗ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới”. Rõ ràng, thị trường đồ gỗ đang rất rộng mở và Gia Lai hoàn toàn có cơ hội tham gia vào ngành sản xuất đầy tiềm năng này.
Nhân dịp đến Gia Lai dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, chiều 30-11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh: “Cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất”.
Với định hướng đó của người đứng đầu Chính phủ và tiềm năng, lợi thế đang có, tin rằng, nếu được chú trọng đúng mức, việc phát triển chế biến gỗ thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng tầm vị thế sản phẩm gỗ của Gia Lai trên thị trường trong và ngoài nước là điều trong tầm tay.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm